Đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

07:53, 28/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp, trường học... luôn được tỉnh quan tâm. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới đất nước. Nói cách khác, đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược, lâu dài.

Với chức năng, nhiệm vụ đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ chủ chốt cơ sở và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, quản lý nhà nước cho các cơ quan đoàn thể trong tỉnh... Trường Chính trị tỉnh còn thực hiện một số nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm đáp ứng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh. Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đào Văn Quang cho hay, toàn trường có 37 cán bộ, viên chức với 1 tiến sĩ, 20 thạc sĩ và 16 cử nhân. Nhà trường thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ ban hành. 

Theo quy định, mỗi buổi lên lớp, giảng viên phải thực hiện hoạt động giảng lý thuyết và thảo luận. Nội dung giảng lý thuyết là các nội dung theo giáo trình của chương trình đào tạo, bồi dưỡng, gắn lý thuyết với thực hành, gắn học tập với rèn luyện tư cách đạo đức của người cán bộ. Nội dung thảo luận tập trung vào kỹ năng, nghiệp vụ công tác, vận dụng những kiến thức lý luận vào giải quyết các tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

Trường Chính trị tỉnh tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế theo quy định nhằm giúp học viên nắm bắt, phân tích, đánh giá, tổng hợp tình hình và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cơ sở gắn với nhiệm vụ công tác. “Giảng viên lên lớp áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy học viên làm trung tâm kết hợp với việc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Phát huy vai trò chủ đạo của giảng viên, tính chủ động sáng tạo của học viên trong học tập, nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm của học viên vào việc phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề”, ông Đào Văn Quang cho biết thêm. 

Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Những năm qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng chú trọng đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp quản lý. Nhà trường tích cực cải tiến phương pháp đào tạo để tăng khả năng thích ứng với nhu cầu của xã hội. Tăng cường công tác khảo sát, tìm hiểu thực tế nhu cầu xã hội, các quy định hiện hành về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng chương trình bồi dưỡng phù hợp. 

Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học.
Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học.

Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi (gọi tắt là Phân hiệu Quảng Ngãi) cũng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị, doanh nghiệp. Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Quảng Ngãi Phạm Việt Hùng cho biết, những năm qua, trường chú trọng công tác nghiên cứu khoa học (NCKH). Khi giảng viên có động lực NCKH mới tạo ra năng lượng, sự hứng thú và đam mê nghiên cứu, thúc đẩy giảng viên dành nhiều thời gian và công sức cho hoạt động NCKH. Giảng viên có động lực nghiên cứu càng mạnh mẽ thì năng lực nghiên cứu càng được phát huy tối đa. 

Ngoài ra, Phân hiệu Quảng Ngãi còn đẩy mạnh hợp tác NCKH với Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức hội thảo, hợp tác trao đổi thông tin phục vụ công tác NCKH tại Phân hiệu Quảng Ngãi với địa phương. Thông qua việc hợp tác, thông tin về hoạt động khoa học công nghệ của địa phương, kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án được trao đổi thường xuyên, từ đó tránh sự trùng lặp trong tổ chức NCKH.

Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu rõ, trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
 
Đẩy mạnh phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học

Sinh viên (SV) và học viên cao học tại Phân hiệu Quảng Ngãi đã viết bài báo tham gia Hội nghị Khoa học trẻ IUH lần 4 năm 2022 với chủ đề “Khơi thông trí thức - Kiến tạo tương lai”. Giảng viên và SV Phân hiệu Quảng Ngãi tham gia viết bài cho Hội thảo “Những nhân tố quan trọng tác động đến ý tưởng và hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức.

Những năm qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng luôn chú trọng nâng cao chất lượng.
Những năm qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng luôn chú trọng nâng cao chất lượng.

Ngoài ra, Phân hiệu Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn cho SV thực hiện đề tài và phương pháp viết bài báo khoa học, thuyết trình bài báo khoa học, trích dẫn trong NCKH, thiết kế thí nghiệm trong NCKH... Kết quả có 12 khóa luận tốt nghiệp của SV được đánh giá cao; có 20 luận văn thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh được hội đồng đánh giá luận văn rất tốt. Đặc biệt, nhiều đề tài của học viên và SV được các doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn. Đơn cử như đề tài “Các giải pháp nâng cao sự tuân thủ chính sách an toàn - môi trường - sức khỏe nghề nghiệp của người lao động tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”, được Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho hay, trường luôn tạo điều kiện tốt nhất, khuyến khích SV tham gia thực hiện đề tài và gửi đề tài để xét giải thưởng SV NCKH các cấp như: Giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh, Giải thưởng Festival Sáng tạo trẻ tỉnh; Giải thưởng SV NCKH - Euréka (toàn quốc) và các giải thưởng SV NCKH do cấp bộ, ngành, trung ương tổ chức.

Để đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đòi hỏi đội ngũ giảng viên trực tiếp đứng lớp phải đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn. Anh Đào Minh Đức, Giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) đã không ngừng nỗ lực trong việc tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2016, anh tham gia nghiên cứu sinh để đáp ứng vai trò ngày càng cao của công tác giảng dạy; đồng thời chủ động trau dồi thêm từ thực tế. Anh thường xuyên tìm hiểu dây chuyền sản xuất mới của các doanh nghiệp để kịp thời cập nhật kiến thức mới về các thiết bị, bổ sung vào bài giảng. Theo anh Đào Minh Đức, qua nắm bắt các kiến thức thực tế sẽ giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu bài học, hiểu kiến thức cơ bản, từ đó thuận lợi hơn trong việc học kiến thức nâng cao. 

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, đòi hỏi mỗi cá nhân, nhất là đội ngũ trí thức trẻ cần có tinh thần tự học, ham học, tìm hiểu và tham gia công tác NCKH, trau dồi kiến thức từ thực tế.

 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 

 TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 07:53, 28/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.