Sống bằng trái tim của người khác

18:58, 03/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiến tặng mô, tạng để hồi sinh cuộc đời những người bệnh đang hy vọng sự sống mong manh là những nghĩa cử nhân văn và vô cùng trân quý, cần được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. 

Trong số 14 ca ghép tim tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, ca được phẫu thuật ghép tim mới nhất là Huỳnh Tiến Phát (24 tuổi), ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành).

Những hy vọng mong manh

Sau ca đại phẫu vào cuối tháng 11/2024 tại BV Trung ương Huế, chàng thanh niên Huỳnh Tiến Phát đã trở về nhà. Ông Huỳnh Văn Tin (52 tuổi), ba của Phát xúc động bày tỏ, mọi việc diễn ra như một giấc mơ. Sức khỏe của Phát tiến triển tích cực, gia đình tôi biết ơn nhiều lắm!

Ông Tin chia sẻ, những năm qua, căn bệnh suy tim giai đoạn cuối của Phát kéo dài dai dẳng, không chỉ khiến sức khỏe Phát suy giảm nghiêm trọng mà kinh tế gia đình cũng suy kiệt. Năm Phát 13 tuổi, sau khi đi đá bóng cùng bạn bè, Phát cảm thấy tức ngực, nôn nhiều. Gia đình vội đưa con đến BV Đa khoa tỉnh, rồi chuyển ra BV tại Đà Nẵng. Các bác sĩ phát hiện Phát bị cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối. Tỷ lệ tim của Phát chỉ còn 12%, nhiều lần Phát phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Năm 2018, Phát đăng ký ghép tim tại BV Trung ương Huế. Dù đăng ký ghép tim, nhưng Phát và gia đình vẫn biết đó là giấc mơ quá xa vời, bởi ngoài chi phí lớn, để tìm được quả tim phù hợp là điều hết sức mong manh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế thăm, tặng quà động viên Huỳnh Tiến Phát sau ca phẫu thuật ghép tim. 
Ảnh: NVCC
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế thăm, tặng quà động viên Huỳnh Tiến Phát sau ca phẫu thuật ghép tim. Ảnh: NVCC

Năm 2019, lần đầu tiên Phát được gọi thông báo ghép tim. Thế nhưng khi nghe chi phí quá lớn, gia đình không có tiền nên đành buồn rầu trở về. “Trước khi được ghép tim, Phát từng có 7 lần được gọi đi ghép tim, trong đó có lần đầu tiên phải quay về vì gia đình không đủ tiền. Có lần vì các chỉ số không phù hợp, có lần đi giữa đường được thông báo người hiến đã chết lâm sàng, tim không còn “sống” nên phải quay về. Hy vọng rồi thất vọng”, ông Tin trải lòng.

Dù mắc bệnh hiểm nghèo, song Phát luôn cố gắng trong học tập. Phát thi đậu Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng). “Tôi cố gắng học, nhưng mỗi lần đi bộ lên cầu thang, cảm giác mệt thở dốc, chỉ đi được vài bậc cầu thang, phải ngồi nghỉ rồi mới đi tiếp”, Phát chia sẻ. Phát giấu không để gia đình biết vì sợ mọi người lo lắng và để tiếp tục việc học. Đến khi bạn học của Phát, vì thương bạn mình đã kể lại cho gia đình. Ông Huỳnh Văn Tin ra đến nơi, nhìn thấy tình cảnh của con mà không cầm được nước mắt. Nỗi lòng người cha, dù rắn rỏi đến cỡ nào, vẫn đau nhói như cắt từng khúc ruột. 

Hồi sinh cuộc đời

Sức khỏe yếu, Phát đành nghỉ học về quê. Một tháng Phát ra BV Trung ương Huế để tái khám một lần, chi phí khoảng chừng 8 triệu đồng. Thông thường Phát chủ yếu tự đi tái khám để tiết kiệm chi phí tàu xe, ăn uống. Kinh tế gia đình khó khăn, bởi nghề nông chỉ đủ ăn, không dư dả nhiều. Em gái của Phát học đến lớp 12 rồi xin nghỉ học để đi làm công nhân, vì muốn cùng gia đình chắt chiu, dành dụm tiền chữa bệnh cho anh trai.

Tháng 11/2024, Phát ra tái khám sớm hơn một ngày. Lúc đang ăn sáng trước cổng BV, bác sĩ gọi điện thông báo có tim. Phát chỉ kịp gọi điện thông báo cho người nhà, rồi được các bác sĩ đưa vào khu vực đặc biệt. “Dường như đó là định mệnh, cơ duyên may mắn bởi nếu ra tái khám đúng lịch, sẽ không kịp có mặt ở BV để làm các thủ tục nhập viện cho ca phẫu thuật. Qua thông tin từ các bác sĩ tại BV Trung ương Huế, gia đình được biết, khi tiếp nhận thông tin có người hiến tặng tim tại Hà Nội, BV Trung ương Huế lập tức cử một đoàn bác sĩ nhanh chóng di chuyển ra Hà Nội. Trước đó, tại BV Quân y 103 ở Hà Nội tiếp nhận một ca bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, nhưng không thể duy trì sự sống của thanh niên bị tai nạn giao thông. Sau khi có kết luận chẩn đoán chết não lần 3, gia đình của người thanh niên đó đã đồng ý hiến tặng các tạng gồm tim, phổi, gan, thận để cứu sống những người bệnh khác. Và trái tim ấy được điều phối để ghép cho Phát, là bệnh nhân còn trẻ tuổi đã nhiều năm chống chọi với căn bệnh suy tim giai đoạn cuối”, ông Tin xúc động kể.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế thăm, tặng quà động viên Huỳnh Tiến Phát sau ca phẫu thuật ghép tim.                                                                                                                       Ảnh: NVCC
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế thăm, tặng quà động viên Huỳnh Tiến Phát sau ca phẫu thuật ghép tim. Ảnh: NVCC

Ca ghép tim của Phát cũng chính là ca ghép tim xuyên Việt lần thứ 13, đã minh chứng cho bàn tay, khối óc tài hoa của đội ngũ y, bác sĩ, thành công vượt bậc của nền y tế Việt Nam. Chỉ sau 4 giờ 5 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển về BV Trung ương Huế, trái tim được hiến tặng đã đập lại trong lồng ngực của Phát. Đó là lúc 22 giờ 20 phút ngày 27/11/2024. Khoảng 5 giờ sau ca đại phẫu thuật, Phát được rút ống nội khí quản, chức năng tim lúc này đạt 62%. Ngồi kế bên ba, Phát bộc bạch, các bác sĩ đã chạy đua với thời gian, kịp thời đưa trái tim một cách an toàn về ghép cho bệnh nhân. Có lẽ, hơn ai hết, sau nhiều năm đồng hành thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối, các bác sĩ thấu hiểu trái tim là món quà vô giá.

Khoảnh khắc khi lần đầu tiên chúng tôi gặp Phát từ trong nhà bước ra, tôi cảm thấy chợt nghẹn lại, rưng rưng xúc động. Mọi sự sống đều là quý giá. Và hiến tặng mô, tạng mang lại sự sống, hồi sinh cuộc đời người bệnh đang từng ngày chống chọi với bệnh tật là điều vô cùng trân quý và ý nghĩa. Một cuộc đời dù khép lại, nhưng sự sống vẫn được nối dài, thắp lên hy vọng, niềm tin cho nhiều cuộc đời khác. Và từ chính việc làm hiến tặng mô, tạng rất cao quý, nhân văn ấy, cuộc đời của Phát được hồi sinh. Bao ước mơ, dự định trước đây Phát chưa thực hiện được, rồi theo thời gian có thể sẽ thành hiện thực trong tương lai. Mỗi ngày Phát đều nghe podcast để cập nhật thông tin, lắng nghe sự chia sẻ để tự động viên tinh thần, lạc quan cho bản thân mình.

Những năm gần đây, có rất nhiều người đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Ngày 19/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi người dân Việt Nam trưởng thành tình nguyện đăng ký hiến tạng, đã góp phần lan tỏa, trở thành một lời cổ vũ, động viên nhiều người đồng hành với hoạt động hết sức ý nghĩa này. “Cho đi là còn mãi”, một người hiến tặng mô, tạng có thể cứu được nhiều người.

Huỳnh Tiến Phát bên những người thân yêu trong gia đình.          Ảnh: BẢO HÒA
Huỳnh Tiến Phát bên những người thân yêu trong gia đình. Ảnh: BẢO HÒA

Nắm chặt tay con, ông Huỳnh Văn Tin bày tỏ lòng chân thành, là một người cha, thông qua Báo Quảng Ngãi, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc, trân trọng nhất đến gia đình người đã đồng ý hiến tặng trái tim, để con tôi được hồi sinh. Tôi xin cúi đầu cảm ơn sự hy sinh cao cả ấy. Đây là món quà vô cùng quý giá với gia đình chúng tôi, chúng tôi xin hứa luôn gìn giữ, trân quý món quà lớn lao này. Gia đình cũng vô cùng biết ơn các bác sĩ, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp, rút ngắn thời gian, kịp thời đưa trái tim về đến BV Trung ương Huế để thực hiện ghép tim cho con tôi. Trước khi xuất viện, Phát được Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm, tặng quà động viên. Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với Phát và gia đình chúng tôi.

Phía sau ca mổ được xem là kỷ lục về rút ngắn thời gian vận chuyển trái tim từ Hà Nội đến BV Trung ương Huế, ít ai biết rằng có một bác sĩ gốc Quảng Ngãi, từ tận nước Mỹ xa xôi luôn dõi theo, đồng hành với gia đình người bệnh. Với tấm lòng nhân ái bao la, ông là người đã gửi tặng tất cả kinh phí của ca phẫu thuật ghép tim (hơn 500 triệu đồng), từ đó giúp hồi sinh sự sống của Phát. Ông cũng chính là người đã hỗ trợ kinh phí cho ca ghép tim thứ 5 tại BV Trung ương Huế, là một bệnh nhân quê ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa). Sau khi bệnh nhân ở xã Nghĩa Lâm hồi phục sức khỏe, ông còn tài trợ một chiếc xe tải nhỏ giúp người bệnh có phương tiện để mưu sinh, mang lại việc làm, thu nhập cho bản thân và gia đình.

BẢO HÒA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:58, 03/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.