(Báo Quảng Ngãi)- Ngày trước, những cánh rừng vót (nứa), ở xã Sơn Liên (Sơn Tây), người dân tự do ra vào khai thác. Còn nay, những cánh rừng đã có chủ, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cho đồng bào Ca Dong nơi đây.
Giữ màu xanh cho rừng
Sau bữa cơm trưa, nắng vẫn còn chói chang, chúng tôi theo chân người dân thôn Tang Tong, xã Sơn Liên vào rừng vót. Cùng đi có các anh em Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tây, phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây. Chúng tôi men theo lối mòn quanh co lên dốc đứng, rồi lại xuống suối sâu. Sau gần 1 giờ đồng hồ chinh phục cung đường gian nan, chúng tôi đã tiếp cận được khu rừng vót rộng hơn 10ha của người dân thôn Tang Tong.
Tôi đã nhiều lần vào rừng, từng theo chân người dân vùng cao Quảng Ngãi đi bẻ măng vót, nhưng rừng vót ở thôn Tang Tong làm tôi rất ngạc nhiên và thích thú. Rừng vót ở đây sạch sẽ, thoáng đãng, xanh rì, đầy sức sống. Anh Bùi Minh Điệp, cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tây, người đồng hành cùng bà con Ca Dong chăm sóc, bảo vệ rừng vót này cho biết, trước đây, vùng này là đất sản xuất, người dân trồng mì, keo. Xen lẫn trong đám keo, rẫy mì có nhiều bụi vót, cứ đến mùa, lại cho măng. Người dân bẻ măng về dùng, khi nhiều thì bán kiếm tiền mua gạo. Những bụi vót vì thế được người dân địa phương trân quý giữ lại. Dần dần, đồng bào nơi đây bỏ hẳn cây keo, mì, chỉ giữ lại những bụi vót. Rừng vót từ đó dần được hồi sinh.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây vót. |
Hiểu được tình yêu rừng, yêu những bụi vót của người Ca Dong, cán bộ nông nghiệp huyện Sơn Tây đã về làng, mang kiến thức đến tận rừng, đồng hành cùng người dân trong hành trình hồi sinh rừng vót. Câu chuyện “hồi sinh rừng vót” được anh Bùi Minh Điệp kể đầy hào hứng, vào năm 2021, Sở KH&CN phối hợp với UBND huyện Sơn Tây triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng KHCN khai thác, phát triển sản phẩm măng vót theo chuỗi giá trị ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi”. Tại khu rừng vót này, dự án triển khai mô hình “Cải tạo, thâm canh 10ha măng vót huyện Sơn Tây”, tạo sinh kế cho người dân, góp phần khôi phục, bảo vệ rừng tự nhiên phục vụ cho cả cộng đồng.
Người Ca Dong ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên (Sơn Tây) chăm sóc rừng vót. |
"Hiện nay, huyện Sơn Tây đang phối hợp với Sở KH&CN và các cơ quan chức năng có liên quan hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm. Đây là cơ hội để đưa sản phẩm măng vót vươn xa, mở rộng đến các thị trường trong và ngoài tỉnh”. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây |
Anh Đinh Văn Nơ là 1 trong 10 hộ tham gia mô hình cải tạo rừng măng vót. Anh Nơ cho biết, cán bộ huyện về làng, cùng dân vào rừng chỉ cách phát dọn thực bì, chặt bỏ cây vót không phát triển, để nhường chỗ cho măng lên. Cán bộ còn hướng dẫn cách bón phân thích hợp để vót có lực, vượt lên, cao xanh. Rồi khuyên chúng tôi khi vào rừng vót thì không được hút thuốc, vì có thể gây ra đám cháy.
Dân làng cảm ơn cán bộ đã giúp đỡ phát triển rừng vót, để lấy măng bán, lấy vót làm một số vật dụng trong nhà. Cái quan trọng là giúp người làng hồi sinh lại rừng vót mà ngày xưa ông bà đã giữ gìn, yêu quý. Giờ người khác không thể tùy tiện vào bẻ măng, chặt cây vót của gia đình như trước nữa. "Nó như cái vườn của riêng nhà mình, có vạch sơn làm ranh giới, có bảng treo tên chủ ở bìa rừng. Tôi cảm ơn cán bộ đã hiểu lòng dân mà giúp đỡ. Nếu cánh rừng vót mà biết nói, nó cũng cảm ơn những người đã cho nó xanh lại, đẹp lên trên vùng đất ngày xưa là của vót”, anh Nơ bùi ngùi nói.
Đưa sản phẩm vươn xa
Nhiều năm qua, măng vót đã được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng cao Sơn Tây. Khách thập phương có thể thưởng thức măng vót một cách dễ dàng nếu đến nơi đây vào mùa thu hoạch. Thế nhưng, do vót mọc tự nhiên và người dân thu hoạch măng vót cũng theo cách... tự nhiên, thoải mái. Ai có sức lao động đều có thể vào rừng hái măng.
Vì thế, việc chăm sóc, phục hồi rừng vót không được tính đến và diện tích vót ngày một thu hẹp. Theo ước tính của huyện Sơn Tây, toàn huyện có khoảng 1.000ha vót, chủ yếu tập trung ở các xã Sơn Liên, Sơn Bua, Sơn Long. Thế nhưng, mỗi năm diện tích này bị sụt giảm rất lớn do tình trạng phá vót để trồng cây keo, mì. Nhiều người dân bản địa tiếc nuối, cảm thấy mất mát khi rừng vót hẹp dần, măng vót mỗi mùa ít đi.
Măng vót tươi đã được lột vỏ. |
Sau một thời gian khảo sát, huyện Sơn Tây quyết định đề xuất và được Sở KH&CN chấp thuận thực hiện dự án “Ứng dụng KHCN khai thác, phát triển sản phẩm măng vót theo chuỗi giá trị ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi”. Mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả kinh tế của sản phẩm măng vót thông qua sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tây - Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên - nông dân.
Dự án giúp người dân ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHCN phù hợp để khoanh vùng, chăm sóc, bảo vệ rừng măng; đồng thời, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm măng khi khai thác. Những búp măng khi hái về, ngoài sử dụng tươi sẽ được chế biến thành sản phẩm măng khô, măng chua để bán ra thị trường, tăng giá trị sản phẩm. Việc tham gia thực hiện dự án này còn góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Sơn Tây, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng ở địa phương.
Người dân thôn Tang Tong, xã Sơn Liên (Sơn Tây) nghỉ ngơi sau khi vào rừng chăm sóc cây vót. |
Tham gia dự án này với tư cách như một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra măng vót, HTX Sản xuất nông lâm nghiệp và Thương mại Dịch vụ Sơn Bua (HTX Sơn Bua) đã sẵn sàng phương án thu mua, chế biến, đưa đi tiêu thụ cho tất cả sản phẩm măng vót của xã Sơn Liên và các xã trong huyện. Giám đốc HTX Sơn Bua Phạm Thị Ánh cho biết, HTX thu mua măng vót theo giá thị trường, nhưng sẽ cân nhắc tăng thêm khoảng 5% và không giới hạn số lượng. Hiện nay, HTX đã chế biến thành công sản phẩm măng vót khô, măng vót chua được khách hàng ưa chuộng, tin dùng.
Một tin vui khác được Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến chia sẻ là, mới đây, UBND tỉnh đã cho phép UBND huyện Sơn Tây sử dụng tên địa danh “Sơn Tây - Quảng Ngãi” và xác nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm măng vót để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Măng vót Sơn Tây - Quảng Ngãi”. Hiện nay, huyện Sơn Tây đang phối hợp với Sở KH&CN và các cơ quan chức năng có liên quan hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm. Đây là cơ hội để đưa sản phẩm măng vót vươn xa, mở rộng đến các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bây giờ, huyện Sơn Tây đang đón những cơn mưa dông đầu mùa. Rừng vót lại được đón thêm những nguồn năng lượng để mạnh mẽ vươn lên, nhú ra thật nhiều những búp măng tươi mới. Măng, dẫu chỉ là món ăn nghìn đời, rất đỗi quen thuộc, nhưng măng vót Sơn Tây có sức hấp dẫn riêng của nó. Bởi cây vót được hồi sinh nhờ tình yêu, sự trân quý của chính người dân bản địa và sự đồng hành chung tay của những cán bộ nông nghiệp, khoa học vùng cao gian khó Sơn Tây.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: