Chuyện bên lăng cá Ông

09:20, 25/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với văn hóa tâm linh của ngư dân, hầu như vùng biển nào ở miền Trung cũng thờ cúng thần Nam Hải (còn gọi là cá voi, cá Ông) để bày tỏ lòng tri ân. Sau một thời gian chôn cất, người dân đưa xương cốt cá voi vào lăng để thờ. Riêng ở Quảng Ngãi ngoài việc thờ cúng, nhiều nơi còn an táng thành nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ. 

Lễ nghinh rước thần Nam Hải của ngư dân ở xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) ngày 20 tháng Giêng.                                                     ẢNH: PHAM ANH
Lễ nghinh rước thần Nam Hải của ngư dân ở xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) ngày 20 tháng Giêng. ẢNH: PHAM ANH

Nghĩa địa cá voi bên lăng Ông 

Biển Khê Tân, ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), sáng bừng trong nắng. Cách bờ biển Khê Tân chừng vài chục mét có lăng Ông (thờ thần Nam Hải) uy nghiêm. Sát lăng thờ là nhà ông Trần Văn Lạc (68 tuổi), từng là chủ tế và là thành viên ban khánh lễ của lăng những năm trước. Đưa chúng tôi đến lăng Ông, ông Lạc chỉ những ngôi mộ cá voi nằm im lìm trên cát. Ở đây có gần 10 ngôi mộ, mộ dài nhất chừng 5m, còn phần lớn là mộ khoảng 2 - 3m.
Chỉ vào ngôi mộ lớn nhất, ông Lạc kể, ngôi mộ này chỉ là cái đầu của cá voi được dân làng đưa vào cải táng bên lăng Ông. Cách đây mấy mươi năm, “Ông cá” này lụy vào bờ biển Khê Tân. Vì thân cá lớn quá nên dân làng không đưa vào bên trong được, mà phải dùng cọc tre, bao bố đóng xuống biển, ngăn sóng biển đập vào, sau đó đắp cát lên thành ngôi mộ cho cá Ông. Bờ biển Khê Tân bị sạt lở, mộ cá voi lớn nhất bị sóng cuốn dần ra biển. Vậy nên, người dân Khê Tân bàn nhau đưa mộ cá này về lăng Ông cải táng. Thế nhưng, khi đào xuống thì chỉ còn cái đầu cá, còn xương thân cá đã trôi ra biển. “Phải đến 6 thanh niên dùng 3 đòn khiêng mới đưa đầu “ông cá” vào được, nặng trên 2 tạ chứ không ít”, ông Lạc nói. 

Mộ cá voi ở trong khuôn viên lăng Ông. ẢNH: PHẠM ANH
Mộ cá voi ở trong khuôn viên lăng Ông. ẢNH: PHẠM ANH

Ở lăng Ông, xóm Khê Tân, nghĩa địa cá voi không chỉ ở trong khuôn viên lăng Ông. Ở sát bờ biển, một vùng cát trắng xóa ngay lối đi vào lăng Ông là nghĩa địa cá voi hàng chục vị. Ông Lạc cho biết, ngày trước, người dân làm những nấm mồ chôn cất cá voi, qua thời gian do sóng biển, các nấm mồ bị san bằng. Mỗi lần đi ngang qua đây, người dân đều thể hiện sự trân trọng, kính bái. Đây là nghĩa địa cá voi mà người dân Khê Tân đi biển thấy cá voi bị nạn trên biển đưa về an táng, hoặc cá voi lụy vào bờ được dân chôn cất, làm lễ nghi như con người bị mất.

Tri ân thần hộ mệnh 

Dọc vùng biển Quảng Ngãi, nghĩa địa cá voi không chỉ có ở xã Tịnh Khê, mà còn có ở nhiều nơi. Tại xã Bình Thạnh (Bình Sơn), mộ cá voi nằm phía sau lăng tự thờ thần Nam Hải. Bên trong lăng tự, nhiều bộ xương cá voi được xếp ngay ngắn trong hộp sơn son. Đây là cá voi sau khi lụy vào bờ được người dân chôn cất, để tang, mấy năm sau thì đưa xương cốt vào trong lăng để thờ. 

Lăng Ông ở xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). 
ẢNH: PHAM ANH
Lăng Ông ở xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: PHAM ANH

Đến vùng ven biển Quảng Ngãi, chúng tôi nghe nhiều câu chuyện kể của ngư dân gắn với việc thờ cúng cá voi, nhất là chuyện cá voi cứu người thoát nạn. Với ngư dân, sinh ra, lớn lên và sống nhờ vào biển, họ tin vào thần Nam Hải luôn phù hộ mỗi khi vươn khơi đánh bắt. Ở xóm Khê Tân, xã Tịnh Khê, ngày 21 tháng Giêng hằng năm, cả làng chài tham gia lễ hội cầu ngư tạ ơn thần Nam Hải, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, đánh bắt bội thu. Lấy ngày này để cúng, theo ông Lạc, chính là ngày cá voi đầu tiên lụy vào bờ ở vùng biển này, nên mấy trăm năm nay, ngư dân ở đây đều làm theo như vậy.

Trước khi cúng, tàu thuyền được tập trung gần nghĩa địa cá voi, ngư dân lần lượt vào lăng Ông bái lễ. Ngày 20 tháng 1 âm lịch, 20 người dân trong làng khiêng kiệu từ lăng Ông ra biển để xin bà Thủy long được rước thần Nam Hải vào lăng. Ngoài các lễ nghi, ngư dân dùng chai đựng nước biển đưa lên kiệu, rồi đem về lăng Ông để cúng. Lễ vật cúng gồm có trầu, cau, rượu, hoa, trái cây, giấy tiền, đầu heo, gà, nhưng đặc biệt không được cúng hải sản. Tại lễ cúng, lễ vật được đặt trên bàn thờ thần Nam Hải, bà Thủy long,  tiền hiền, thành hoàng, tả hữu ban và bàn hội đồng ở giữa. Sau khi đã làm lễ cúng, ngư dân lại cho kiệu rước và đổ chai nước tượng trưng cho thần trở lại biển cả...

Ngoài ra, vào tháng 8 âm lịch, người dân ở Khê Tân cũng tổ chức lễ cúng, xem như trả ơn thần biển sau những tháng ngày lênh đênh trên biển, thần phù hộ cho dân làng thuận buồm xuôi gió. Trưởng thôn Cổ Lũy Trần Đình Trọng cho biết, toàn thôn có hơn 1.000 hộ dân thì hơn 85% sống bằng nghề biển. Mưu sinh nhọc nhằn trên biển, đối diện nhiều rủi ro, vậy nên người dân gìn giữ lễ tục truyền thống gắn với đời sống tâm linh, như là cách để bày tỏ lòng tri ân thần linh đã phù hộ. Cùng với việc thờ cúng cá voi, từ tháng Giêng đến tháng 3 hằng năm, 6/7 xóm của thôn Khê Tân tổ chức lễ hội cầu ngư. Theo năm tháng, lễ hội cầu ngư là nét văn hóa, một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của ngư dân biển Quảng Ngãi.

PHẠM ANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:20, 25/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.