Doanh nhân 'chân đất'

16:18, 28/10/2023
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Nhanh nhạy bắt kịp xu thế thị trường, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Hùng (63 tuổi), ở thôn 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đã trở thành doanh nhân “chân đất” có tiếng ở Quảng Ngãi. Mới đây ông vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

 

Tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm của ông Hùng đã lan tỏa khát vọng làm giàu, thúc đẩy nông dân mạnh dạn đổi mới, ứng dụng máy móc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và quê hương.

 

Đi gặt lúa thuê


Cuối vụ, cửa hàng mua bán máy gặt đập liên hợp Thanh Hùng, ở thôn 3 (Đức Nhuận) thoạt trông có vẻ im ắng, nhưng bên trong xưởng máy là không khí làm việc tất bật. Công nhân thoăn thoắt tay kìm tay búa đang tỉ mẩn tháo lắp, kiểm tra từng bộ phận, cấu kiện của máy gặt đập liên hợp Kubota SR45. Bên sườn máy là ông Nguyễn Thanh Hùng điềm đạm, rắn rỏi, hết đứng lại quỳ, hết ngồi lại bò xuống gầm máy, áp tai “dò” tiếng nổ của máy gặt đập liên hợp nhãn hiệu Yanmar CC451.

 

 

 

Thấy tôi quan tâm đến chiếc máy Kubota SR45 đang được 2 công nhân tháo lắp, tỉ mẩn kiểm tra các phụ tùng, ông Hùng giải thích, loại này được nhập khẩu từ Nhật Bản, tình trạng máy đạt khoảng 94%. Máy nhỏ, gọn, chỉ đập bông lúa, không nuốt rơm nên thóc sạch. Nếu máy mới 100% sẽ có giá từ 700 - 800 triệu đồng. Với điều kiện của nông dân mình thì dùng máy đã qua sử dụng, khi nhập về có giá từ 150 - 200 triệu đồng, có chiếc xịn hơn từ 210 - 250 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng (bên trái) trao đổi với nhân viên kỹ thuật việc sử dụng cấu kiện máy gặt thế hệ mới.
Ông Nguyễn Thanh Hùng (bên trái) trao đổi với nhân viên kỹ thuật việc sử dụng cấu kiện máy gặt thế hệ mới.

 

Vừa dứt lời, điện thoại ông Hùng đổ chuông. “Khách hỏi mua phụ tùng máy gặt nhả rơm xếp lớp”, ông Hùng nói vội rồi chuyển cuộc gọi sang chế độ Zalo video. Hướng điện thoại vào dãy kệ xếp kín các loại thiết bị, ông Hùng say sưa giới thiệu, tư vấn cụ thể chức năng, mẫu mã, giá bán từng mặt hàng, phụ kiện.

 

“Số lượng, chủng loại từng chi tiết, cấu kiện sẽ được chúng tôi gửi đến tận địa chỉ anh cung cấp. Nếu ở tỉnh Bắc Kạn thì khoảng 4 - 5 ngày sẽ nhận hàng. Anh nhận hàng kiểm tra trước, thanh toán sau. Không thành vấn đề, khách hàng giới thiệu với nhau nghĩa là chỗ quen biết”, ông Hùng niềm nở.

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng tư vấn online cho khách hàng ở tỉnh Bắc Kạn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng tư vấn online cho khách hàng ở tỉnh Bắc Kạn.

 

Anh Phạm Thanh Hùng, nhân viên kỹ thuật chính tại xưởng máy, chia sẻ, tôi làm ở cửa hàng của ông Nguyễn Thanh Hùng đã hơn 10 năm, chứng kiến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông. Ông Hùng từng là nông dân lam lũ với đồng ruộng, rồi bôn ba buôn bán chiếu, nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó.

 

Cuối năm 2008, khi ông ấy vào tỉnh Long An để mua chiếc máy gặt phun rơm với giá 210 triệu đồng, nhiều người bảo “lão này mang tiền vứt xuống... ruộng”! Dạo ấy ông Hùng đi sớm về khuya để chào hàng, tìm khách gặt thuê. Sau một thời gian, nông dân ở địa phương mới dần tin tưởng thuê máy gặt lúa.

 

Khi nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp bắt đầu tăng, cũng là lúc máy gặt phun rơm không còn phù hợp, vì rơm bị nát trong khi nhu cầu sử dụng rơm để trồng nấm, chăn nuôi ngày càng tăng. Vừa mày mò cải tiến một số bộ phận, công năng của máy, ông Hùng vừa tìm tòi các loại máy mới phù hợp với đồng ruộng, cũng như nhu cầu của người dân.

 

Năm 2011, ông Hùng thế chấp nhà vay ngân hàng, đầu tư mua chiếc máy gặt nhả rơm theo hàng có giá gần 300 triệu đồng. Nhận thấy thị trường sử dụng máy gặt đập liên hợp rộng lớn, ông tiếp tục đầu tư mở cửa hàng kinh doanh máy gặt đập liên hợp và thiết bị, phụ tùng, cấu kiện phục vụ máy nông nghiệp.

 

“Coi vậy chứ ông Hùng mát tay lắm. Đào tạo được hơn 20 khách hàng trở thành nhân viên kỹ thuật làm việc tại 2 cửa hàng trong tỉnh và hàng chục kỹ thuật viên đứng cánh tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước", Như ở cửa hàng Đức Nhuận có anh Duy vừa là khách hàng thân thiết, vừa là nhân viên kỹ thuật của cửa hàng", anh Phạm Thanh Hùng nói.

 

Khách hàng thành nhân viên


Nghe anh Phạm Thanh Hùng nhắc tên mình, anh Trần Quang Duy, ở thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) ngừng tay góp chuyện. “Cơ duyên đưa tôi đến với nghề này bắt đầu từ buổi trình diễn máy gặt nhả rơm do ông Hùng tổ chức vào năm 2012. Lúc ấy, gia đình tôi cũng như nhiều người dân ở địa phương thu hoạch lúa bằng máy cắt tay, máy tuốt nên tốn nhiều thời gian và chi phí. Thấy chiếc máy gặt nhả rơm của ông Hùng, tôi rất muốn đầu tư nhưng suy tính mãi vẫn không biết kiếm đâu ra số tiền 200 triệu đồng. Sau đó, tôi nói với ông Hùng dự định của mình. Cứ ngỡ ông ấy từ chối, ai ngờ lại vui vẻ bảo rằng chỉ cần gửi trước 20%, phần còn lại có thể trả góp”, anh Duy cho hay.


Được ông Hùng “cầm tay chỉ việc” trong quá trình sử dụng máy, sau 2 năm nỗ lực đưa máy đi gặt thuê khắp các địa phương trong tỉnh, anh Duy trả hết nợ. Nhận thấy nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp ngày càng cao, anh trở lại cửa hàng của ông Hùng để mua trả góp chiếc máy thứ 2.

 

“Từ kinh nghiệm thực tế, cộng với tìm tòi học hỏi nên tôi dần rành nghề, nắm chắc kỹ thuật sửa chữa. Thế là ông Hùng đề nghị tôi làm kỹ thuật viên tại cửa hàng Đức Nhuận của ông với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, còn trong vụ thì tôi tranh thủ mang máy đi gặt lúa”, anh Duy chia sẻ.

 

 

Không chỉ với anh Duy, mà có nhiều nông dân khác cũng được ông Hùng tạo cơ hội làm chủ máy qua việc mua trả góp, thu cũ đổi mới hoặc hỗ trợ thay thế linh kiện, phụ tùng.

 

Nhiều khách hàng của ông Hùng khấm khá lên nhờ việc đầu tư máy móc để vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa cung cấp dịch vụ cho thuê. Có người trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, như ông Huỳnh Khanh, ở thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng giám sát việc kiểm tra, bảo dưỡng máy trước khi giao cho khách hàng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng giám sát việc kiểm tra, bảo dưỡng máy trước khi giao cho khách hàng.

 

Cuộc trò chuyện giữa tôi với nhân viên kỹ thuật của cửa hàng đang rôm rả, bỗng bị cắt ngang bởi giọng ông Hùng. “Chuẩn bị đơn hàng đi tỉnh Bắc Cạn. Ngoài phụ tùng còn kèm một cây máy gặt xếp lớp! Chi tiết, cấu kiện nhiều nên sửa soạn hàng cẩn thận, kẻo nhầm lẫn. Cây Kotuba mới nhập về nhưng phải kiểm tra kỹ lưỡng”, ông Hùng thông báo ngắn gọn. Ông Hùng luôn dặn nhân viên, trong kinh doanh quan trọng nhất là cách ứng xử và uy tín.

 

Khởi nghiệp ở tuổi 48, sau 15 năm, “quả ngọt” ông Hùng nhận được là cơ ngơi bề thế cùng sự tin tưởng, tín nhiệm của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nay đã bước sang tuổi 63, hằng ngày, ông Hùng vẫn đến xưởng làm việc cùng công nhân, lúc rảnh rỗi lại mày mò tìm hiểu các loại máy móc mới để đầu tư, chuyển giao phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trong tỉnh. Với nghị lực và tâm huyết, ông Hùng đã lan tỏa đến nông dân trong tỉnh khát vọng vươn lên thoát nghèo, quyết tâm làm giàu.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:18, 28/10/2023