(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua bao gian truân, vất vả để mưu sinh trên vùng đất khó và nuôi 4 người con học đại học, vợ chồng ông Đinh Tiên Hoàng (63 tuổi, dân tộc Cor) và bà Bùi Thị Hoa (59 tuổi), ở xóm Hố Dài, thôn An Khương, xã Bình An (Bình Sơn) đã viết nên một câu chuyện đẹp về tinh thần hiếu học.
Bình An là xã miền núi nằm ở phía tây của huyện Bình Sơn. Trước đây, do đường sá xa xôi, cách trở nên nhiều người chỉ học đến lớp 4, lớp 5 rồi nghỉ. Riêng cậu bé Đinh Tiên Hoàng vẫn theo đuổi giấc mơ con chữ. “Lúc nhỏ, tôi rất ham học. Tôi đi bộ từ xã Bình An đến xã Bình Khương để học đến lớp 9. Ngày ấy, học đến lớp 9 là rất hiếm", ông Hoàng nhớ lại.
Dẫu ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp, nhưng với vợ chồng ông Đinh Tiên Hoàng, những đứa con ăn học nên người mới là “tài sản” lớn nhất. Ảnh: Bảo Hòa |
Năm 1988, chàng trai người Cor Đinh Tiên Hoàng kết duyên với cô gái Bùi Thị Hoa, quê xã Bình Chánh (Bình Sơn). Một năm sau, vợ chồng ông đón đứa con đầu lòng. Đời sống lúc đó nhiều khó khăn, cũng như nhiều người trong làng, vợ chồng ông Hoàng mưu sinh bằng cách lên núi chặt củi về bửa thành từng khúc, phơi khô, cột lại từng bó, rồi đẩy xe thồ củi vượt đường núi xuống thị xã Quảng Ngãi để đổi gạo. Hì hục đẩy xe củi đến chợ xã Bình Hiệp cũng là lúc trời nhá nhem tối, vợ chồng ông dừng chân ngủ tạm ở hiên chợ, đến nửa đêm thức dậy đẩy xe đến chợ thị xã. Trên chặng đường nhọc nhằn hơn 40km, nhiều lúc ông lấy vạt áo lau vội giọt mồ hôi rơi vào mắt cay xè. Mỗi chuyến xe củi hồi đó vợ chồng ông đổi được từ 8 - 9 lon gạo. Có hôm, vợ chồng ông chặt củi, hái rau rừng, chè xanh để đổi lấy cá, mắm của người miền xuôi lên. Những đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng ông lại cố gắng chất thêm củi lên chiếc xe để đổi lấy nhiều gạo hơn. Bữa cơm ấm bụng cho các con cũng từ những chuyến xe thồ củi vất vả ấy. Mãi đến gần cuối năm 2000, vợ chồng ông mới nghỉ nghề bán củi.
Dẫu khó khăn nhưng ông Hoàng vẫn giữ mãi ước mơ đi học và truyền lại đam mê học tập cho các con. Mỗi lần chặt củi về, ông đều ghé ngang qua trường xem các con học. Từ nhà ông đến trường phải ngang qua một con suối. Vào mùa mưa, nước suối dâng cao, chảy xiết. Khi ấy ông canh giờ con tan học để ra chờ cõng con về. Thương cha mẹ vất vả, các con của ông đều cố gắng học tập. Con đường trước nhà ông Hoàng lúc đó chỉ là lối mòn nhỏ, trơn trượt khó đi, nhưng các con của ông chẳng nghỉ học bữa nào.
“Câu chuyện về gia đình ông Đinh Tiên Hoàng nuôi 4 người con học đại học là câu chuyện đẹp ở xã Bình An. Mỗi lần nhắc về gia đình ông, đồng bào dân tộc Cor ở địa phương rất quý trọng, nể phục. Mong các gia đình noi gương gia đình ông Hoàng, cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước". Chủ tịch UBND xã Bình An (Bình Sơn) VÕ THANH TUẤN |
Vợ chồng ông Hoàng cần cù lao động, phát rẫy trồng keo, lúa, bắp, nuôi bò để có tiền cho con ăn học. Người con đầu tiên của vợ chồng ông là Đinh Tiên Vương (34 tuổi) lúc nhỏ nổi tiếng học giỏi ở xã Bình An và cả huyện Bình Sơn. Buổi sáng cày ruộng, buổi chiều đi thi, nhưng lúc nào Vương cũng hoàn thành xuất sắc bài thi. Vương thi đậu Trường Đại học Y Dược Huế, với tổng điểm 3 môn đạt 29 điểm. Khi tôi hỏi, sao ông không cho con học ngành khác mà chọn học y vốn tốn nhiều chi phí và thời gian, ông Hoàng cười hiền bảo, con học ngành y do khả năng, sở thích của bản thân. Một phần cũng do tôi định hướng, mong muốn con trở thành bác sĩ để khám, chữa bệnh cho nhiều người. Dù tốn kém đến mấy, vợ chồng tôi cũng ráng nuôi con học.
Ông Đinh Tiên Hoàng treo những tấm Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, UBND tỉnh tặng ở vị trí trang trọng của ngôi nhà. Ảnh: Bảo Hòa |
Lúc Vương nhập học, tiền học phí, tiền nhà trọ phải đóng trước lên đến hơn chục triệu đồng. Vợ chồng ông Hoàng phải xoay xở rất vất vả. Ông Hoàng bảo, sau này, nhờ các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước dành cho sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số; học bổng tiếp sức tân sinh viên do các đơn vị tài trợ, đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn.
Các con vào đại học, dù đứa lớn hay đứa nhỏ, vợ chồng ông Hoàng đều khăn gói đi theo sắp xếp nơi ăn chốn ở cho con. Con đậu đại học ở Huế, vợ chồng ông cùng đi ra Huế với con. Đứa đậu đại học ở TP.Hồ Chí Minh, ông bà cũng đi theo lo chỗ trọ, đến xem trường nơi con học... Trên chặng đường học đại học của các con, lúc nào gặp khó khăn đều có bố mẹ làm điểm tựa. Với ông Hoàng, đó không phải là bảo bọc con, mà chính là hiểu con, biết con cần những gì để định hướng kịp thời. Các con đi học xa, vợ chồng ông ăn uống dè sẻn, không dám mua sắm, chắt chiu tiết kiệm từng khoản nhỏ để có tiền gửi cho con ăn học.
Gia đình ông Hoàng từng sở hữu hơn 20ha rẫy trồng keo, nhưng lúc con cần đóng tiền học, vợ chồng ông bán keo non, rồi bán luôn cả rẫy để có tiền nuôi con ăn học. Khi các con lần lượt ra trường, diện tích rẫy chỉ còn hơn một nửa. Chẳng thể nào đong đếm hết những hy sinh, vất vả của vợ chồng ông Hoàng trong những tháng năm nuôi con ăn học. Nhưng đổi lại, các con đều học thành tài.
Hiện nay, con trai đầu của vợ chồng ông là Đinh Tiên Vương đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai). Bác sĩ Vương cũng đã hoàn thành chương trình thạc sĩ. Người con thứ hai là Đinh Tiên Vỹ (32 tuổi) tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân (Hà Nội), hiện đang công tác tại Quân khu 5 (TP.Đà Nẵng). Người con thứ 3 (29 tuổi) tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.Hồ Chí Minh), hiện làm việc trong lĩnh vực báo chí. Còn người con thứ 4 (22 tuổi) vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế.
Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, xuống cấp của ông Đinh Tiên Hoàng nằm sâu trong con đường nhỏ ngoằn ngoèo. Dồn sức nuôi con ăn học, nên ngôi nhà của ông bà chẳng có tài sản gì đáng giá. Dẫu vậy, đối với gia đình ông, thành quả của những đứa con chính là tài sản lớn nhất. Tạo dựng nền móng vững chắc cho con bằng tri thức, đó là niềm vui không thể đong đếm của bậc làm cha, làm mẹ.
Năm 2013, gia đình ông Đinh Tiên Hoàng vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen gia đình hiếu học xuất sắc toàn quốc. Năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho gia đình ông vì những thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình hiếu học giai đoạn 2013 - 2015. Ông Hoàng tự hào là người Cor ở xã miền núi Bình An được tham quan các tỉnh, thành phố phía bắc trong chương trình vinh danh gia đình hiếu học toàn quốc. |
BẢO HÒA