(Báo Quảng Ngãi)- Dạy Toán, nhưng lại thích làm thơ, viết thư pháp. Không những thế, anh Phan Bá Trình (giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng) còn đam mê sưu tập đồ cổ, tem cổ có giá trị từ các quốc gia trên thế giới và nhiều tác phẩm đá cảnh đậm chất nghệ thuật.
Miệt mài tìm tòi, lưu giữ những món đồ cổ, với người giảng viên này không chỉ để thỏa mãn sở thích, mà cốt chỉ để tìm lại những ký ức xưa đầy giá trị và những tinh hoa văn hóa của dân tộc để truyền lại cho đời sau.
Giữ gìn tinh hoa văn hóa
Theo anh Phan Bá Trình, người sưu tầm đồ cổ cần có cái tâm và chữ nhẫn trên hành trình khám phá những đặc trưng về văn hóa của các thời kỳ lịch sử qua các cổ vật. Xuất phát từ ý niệm này, anh đã rong ruổi nhiều nơi, sưu tập hàng nghìn cổ vật có giá trị. Gắn bó với thú vui sưu tầm cổ vật đã hơn 20 năm, trải qua không ít gian khó, nhưng anh vẫn kiên trì theo đuổi đam mê.
Hơn 20 năm sưu tập, đến nay anh Phan Bá Trình, Giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đã có hàng nghìn món đồ cổ có giá trị. ẢNH: KIM NGÂN |
Trong bộ sưu tập đồ cổ của anh Trình có nhiều món giá trị như: Chóe đời Đường có niên đại hơn 1 nghìn năm, hay nhóm cổ vật hơn 700 năm... Những kỷ vật đó có giá trị lịch sử ở các thời đại gồm các vật dụng có liên quan đến sinh hoạt, đời sống của người Việt trong quá khứ như đồ đồng, gốm sứ, khảm xà cừ... Tất cả được chạm khắc tinh xảo. Trong đó, có bình cổ lớn có bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt có từ khoảng một nghìn năm trước...
Lưu giữ thời khắc lịch sử qua tem
Anh Phan Bá Trình còn được nhiều người biết đến là tay "săn" tem có tiếng. Lần mở những cuốn album lưu giữ hàng nghìn con tem của hầu hết các quốc gia trên thế giới, được sắp ngay ngắn, anh Trình bảo rằng đây là tài sản tinh thần quý giá. “Mỗi con tem mang trong mình ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa lịch sử khi truyền tải những thông điệp văn hóa, các sự kiện lịch sử của từng dân tộc... Qua con tem chúng ta có thể nhớ lại, kể lại được những câu chuyện lịch sử”, anh Trình bày tỏ.
Hơn 6 nghìn con tem từ các nước trên thế giới được anh Phan Bá Trình tỉ mỉ sắp xếp ngăn nắp trong những cuốn album. ẢNH: KIM NGÂN |
Đối với tem trong nước, anh Trình cất công sưu tầm một số tem về Bác Hồ, các nhân vật lịch sử và bộ tem về các dân tộc Việt Nam khá ấn tượng. Hình dáng tem cũng khá đa dạng. Đó là những con tem hình chữ nhật, hình vuông, hình tam giác, hình bán nguyệt trông rất lạ mắt... Những bộ sưu tập tem của anh Trình ngày một dày thêm, đó không chỉ là sự kỳ công, tỉ mỉ mà đòi hỏi người chơi tem như anh phải có kiến thức rộng về văn hóa, lịch sử, địa lý, chính trị... Qua sưu tầm tem, anh Trình đã kết nối những người bạn chơi tem ở các nơi, để làm phong phú thêm cho bộ sưu tập tem của mình.
Góp nhặt những viên đá “biết nói”
Ngoài sưu tập tem, đồ cổ, anh Trình còn cất công tìm kiếm những viên đá có hình dáng đẹp, sống động, hài hòa được ví như những tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu từ thiên nhiên.
Một trong những trang tem sưu tập và những tác phẩm đá cảnh "biết nói" được anh Trình. |
Những tác phẩm đá cảnh anh sưu tập có niên đại từ hàng triệu năm, trải qua quá trình biến đổi của thiên nhiên, tạo hóa khắc tạo một cách độc đáo. Để có được những tác phẩm đó, anh Trình đã lặn lội tìm kiếm ở khắp nơi, lên rừng, xuống biển... Trong các loại đá cảnh anh sưu tập phải kể đến tác phẩm “Tình mãi không già” có hình thù như hai người bạn già bên cạnh nhau, thể hiện tình yêu son sắt, bên nhau trọn đời. Hay như tác phẩm “Tiên ông” có hình tượng ông tiên, biểu tượng cho tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu... Theo anh Trình, người chơi đá cảnh phải gắn mình với thiên nhiên cùng trí tưởng tượng phong phú để tìm ra được những tác phẩm quý đang “ẩn mình”.
Cho đến nay, nhiều tác phẩm đá cảnh của anh Trình đã được chọn trưng bày ở nhiều nơi như: Tác phẩm “Chân dung Nguyễn Trãi” tham gia trưng bày tại Lễ hội Bonsai và Suiseki Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 năm 2019 tại TP.Hồ Chí Minh; tác phẩm “Thiên thần của biển” đoạt tác phẩm xuất sắc tại trưng bày dịp lễ đón nhận huyện nông thôn mới Nghĩa Hành (2019); một số tác phẩm trưng bày chuyên đề “Quảng Ngãi- Di sản văn hóa biển, đảo”... Với những đóng góp trong công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa địa phương, anh Trình vinh dự được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam.
Anh Trình tự nhận mình là người “tham lam” và anh xin giữ cái “tham lam” ấy để mỗi ngày lặng lẽ với những đam mê đặc biệt trên hành trình sưu tầm những hiện vật cổ xưa, lắng nghe câu chuyện của quá khứ bên trong mỗi hiện vật cũ kỹ truyền đời, nhằm giữ gìn, bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Giảng viên Toán làm thơ hay
Ngoài đam mê cổ vật, những tác phẩm giàu tính nghệ thuật từ đá cảnh, anh Phan Bá Trình được bạn bè đặt cho biệt danh “thầy giáo Toán, làm thơ hay”. Bởi nhà thơ Phan Bá Trình luôn miệt mài sáng tác và có nhiều tập thơ giá trị đã được xuất bản như: Vết xước, Mắt quê, Đong giọt hương tình, Vịn bờ ký ức... Hiện anh là Chi Hội trưởng Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Trà Giang.
|
KIM NGÂN