"Đánh trận" trên con tàu vô địch làng chài

09:12, 29/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Cá cá cá... nhanh nhanh bây ơi, bủa lưới bủa lưới”, tiếng hét át cả tiếng sóng của thuyền trưởng tàu cá QNg 98936 - Lê Tấn Công, ở thôn Hải Tân, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) kéo chục ngư dân tiến về phía mũi tàu. Cuộc “đánh trận” bắt đầu với không khí căng thẳng. Chậm tay là đàn cá mất tăm.
[links()]
Chiếc lưới vây thả xuống nền biển, cùng lúc thuyền trưởng Công đẩy ga hết cỡ, bẻ bánh lái tạo thành một vòng tròn. Khi chiếc lưới thả hoàn toàn xuống nền biển, cố định một vùng nước tóm gọn đàn cá cũng là lúc cuộc “đánh trận” chính thức bắt đâu.
 
Căng như dây đàn
 
Lúc chiếc lưới thả xong, 12 ngư dân trên tàu vã mồ hôi, phần vì sức nặng của tấm lưới, phần vì sự căng thẳng của trận đánh. Chiếc máy thu đáy lưới bắt đầu vận hành, đàn cá đã nằm gọn trong lưới, nhưng chúng có thể thoát ra rất nhanh bởi có những đoạn lưới sấp ngửa trên mặt nước. Bởi vậy mà lúc thu đáy lưới, ngư dân Phúc lẳng lặng ra phía sau tàu, kéo chiếc thúng ném xuống nước rồi chèo mạnh lao đi. Bên trái bên phải đều được anh kiểm tra, lưới hụt xuống anh lại kéo lên. Đề phòng công sức đổ sông đổ bể. 
Tàu cá QNg 98936 của thuyền trưởng Lê Tấn Công đang hành nghề giữa biển khơi.
Tàu cá QNg 98936 của thuyền trưởng Lê Tấn Công đang hành nghề giữa biển khơi.
Mệnh lệnh từ thuyền trưởng Công như chủ soái, những ngư dân ra phía mũi tàu không thể biết đàn cá đang thoát đi theo lối nào, chỉ duy nhất thuyền trưởng Công nhìn vào máy dò biết được, từ đó mà anh chỉ huy thu lưới ép đàn cá vào hướng mình muốn. Điệu hò giục giã sóng khơi “hai ba nào, hai ba nào” cũng là lúc những ngư dân gồng đôi tay mình giúp chiếc máy gom lưới. “Bên trái, bên trái, đàn cá qua bên đó”, thuyền trưởng Công hét lớn.
 
Cả tàu lập tức đổi chiến thuật, ngư dân Phúc cũng lao nhanh chiếc thúng trên nền biển. Vừa tới mép lưới, anh quơ đôi tay kéo mạnh, giữ vững không cho tấm lưới dập dìu. “Kéo đi, kéo đi, vài con thoát rồi”, ngư dân Phúc hét hớn. Trai tráng trên tàu hợp sức kéo căng dây thừng, nâng tấm lưới lên khỏi mặt nước.
 
Kinh nghiệm là những gì chúng tôi thấy được từ anh Phúc, bởi sự chao đảo của chiếc thúng chai giữa nền sóng không thể nào đứng vững được chứ đừng nói đến việc giữ tấm lưới nặng trĩu. “Mệt bở hơi tai chứ không dễ gì. Có lần đàn cá vài tấn quá mạnh, tôi ngã nhào xuống nước luôn”, ngư dân Phúc nói.
 
Hoàng hôn buông xuống thật nhanh, để lại nền biển một khoảng đỏ lừ như hòn lửa, cuộc chiến vẫn phải tiếp tục. Mãi đến khi đêm tối xuống mịt mù, chiếc lưới vẫn chưa được thu xong. Chúng tôi từng hình dung cách ngư dân đánh bắt cá bằng lưới rút khi đi từ đất liền ra đảo Lý Sơn, nhưng thú thật chưa khi nào nghĩ lại vất vả đến thế. Quá cực nhọc. Phải thật sự nể phục họ - những ngư dân phải kết hợp sức mạnh, kinh nghiệm, máy móc và dĩ nhiên sự đoàn kết là yếu tố quyết định thành công. Thấy chúng tôi đứng quan sát nhưng cũng mệt đừ vì sóng, thuyền trưởng Công nói vui: “Đi cho biết, về nhà mua cá đừng than mắc nữa hể”. Đúng thật, đi một chuyến biến, nếu về đất liền chẳng ai dám trả treo vài nghìn bạc để giảm giá ký cá. 
Trong hải trình đánh bắt, thuyền trưởng Lê Tấn Công vừa lái tàu vừa nhìn vào máy dò để tìm đàn cá.
Trong hải trình đánh bắt, thuyền trưởng Lê Tấn Công vừa lái tàu vừa nhìn vào máy dò để tìm đàn cá.
Đúng 19 giờ, chiếc lưới được thu về chỉ còn một khoảng rộng bằng cái nong phơi lúa, đàn cá cơm lúc nhúc dính lưới tìm cách thoát thân. Nhưng chúng đành bất lực bởi cuộc vây ráp đã đến hồi kết. Nhìn đàn cá, thuyền trưởng Công và anh em cười phấn khởi khi mẻ cá đầu tiên này trúng mánh. “Chí ít gì cũng được một tấn cá”, thuyền trưởng Công quả quyết. Còn chúng tôi, chẳng nhìn ra được khi thấy một nhúm cá trên mặt biển. Nền nước tối mù chẳng cho lấy một thông tin nào.
 
Chiếc vợt lớn được đẩy xuống biển, ngư dân Phúc vừa giữ tấm lưới vừa hét lớn cho anh em trên tàu kéo cá lên. Đúng như thuyền trưởng Công nói, dưới đáy lưới còn rất nhiều cá, mẻ cá ấy hơn một tấn khi bỏ đầy 6 thùng phuy. Thở phào bởi mẻ lưới thành công, các ngư dân bắt đầu lên tàu, ai nấy ướt sũng dù mang áo mưa, đừ đẫn nằm ra sàn tàu. Anh nuôi trên tàu là Lê Thanh Vương (15 tuổi) cũng chính là con thuyền trưởng Công vội vào bếp nấu nồi nước sôi pha mì tôm. Dĩ nhiên là ăn kèm với cá vừa đánh bắt được. Ăn tối xong, toàn bộ ngư dân nằm ngủ, còn thuyền trưởng Công tiếp tục mò mẫm trong đêm đi tìm đàn cá mới.
 
Thuyền trưởng vô địch làng chài
 
Tàu thuyền trưởng Công rời cảng Mỹ Á, phường Phổ Quang lúc 15 giờ chiều, đi chừng 10 hải lý, anh bắt đầu bật máy dò. Trong lúc các ngư dân vào khoang tàu nghỉ ngơi, giữ sức thì thuyền trưởng Công phải căng mắt trong đêm. Đôi mắt anh đảo qua máy dò rồi lại nhìn về phía biển liên tục. Mẻ cá đầu tiên đến khi những chấm đỏ trên màn hình máy dò hiện ra rõ dần. Màu đỏ ấy chính là đàn cá. Mẻ cá đầu tiên đến sau hơn 30 phút dò tìm. 
Ngư dân trên tàu cá QNg 98936 vui vẻ khoe chiến tích đánh bắt được.
Ngư dân trên tàu cá QNg 98936 vui vẻ khoe chiến tích đánh bắt được.
Suốt đêm ấy, chúng tôi ngồi bên cạnh thuyền trưởng Công theo dõi cách anh dò tìm luồng cá. Có thể nói đơn giản để dễ hình dung cách tìm đàn cá giống như nông dân cày ruộng, đi qua, đảo lại. Hết luồng biển này đến dòng nước khác. Cũng giống như con mình, thuyền trưởng Công theo cha đi biển từ khi 15 tuổi. “Thời đó đi chiếc thuyền nan nhỏ xíu, không có máy dò, nên cha tôi chong đèn cả đêm để dụ cá. Ông lái tàu còn tôi và các ngư dân ra hai bên mạn tàu nhìn xuống nước theo dõi. Chẳng ai được ngủ cả. Thời đó, đánh bắt dựa vào kinh nghiệm là chính, không có máy móc như giờ”, anh Phúc nói.
 
Nhìn qua, ngó lại, mới đó mà hơn 30 năm gắn liền với biển, ngót chục năm làm thuyền trưởng, anh Công thay cha gánh vác trọng trách chỉ huy tàu. Biển mẹ thương, từ lúc  làm thuyền trưởng, anh Công đều trúng lớn. Ở Mỹ Á, người ta gọi tàu anh là “Chiếc tàu vô địch làng chài”. Anh Công cười khoái chí khi mọi người nói vậy “Đúng là tôi đánh thường trúng hơn những tàu khác. Tôi mong cái danh xưng vô địch còn nối theo mình dài dài cho anh em sống ổn”, anh Công cười khà khà.
 
Đêm hôm đó, cứ mỗi lần nghe anh Công nói “cá cá cá” là cả tàu thức giấc lao ra phía mũi tàu. Mấy lần chậm chân, đàn cá trú dưới đáy tàu rồi nhanh chóng trốn đi, mất dấu. Thế là cả đội lại thất thểu lùi vào cabin ngủ. “Không dễ gì tóm được cá đâu. Máy dò chỉ quét được khoảng 240m mà hướng về phía trước, cá chui vào đáy tàu rồi đi ngược hướng là thua. Nên khi phát hiện là phải nhanh chóng thả lưới”, thuyền trưởng Công chia sẻ.
 
Đêm trôi qua thật nhanh, thêm hai lần vây ráp thành công nữa thì đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng. Lúc này tàu đã cách bờ 30 hải lý. Thuyền trưởng Công bắt đầu bẻ hướng vừa đi về phía cảng Mỹ Á vừa dò tìm đàn cá. Đêm nay đánh được chừng 2 tấn cá. Khi chiếc tàu cách cảng chừng 5 hải lý, chuông điện thoại reo lên, bên kia đầu dây là các tiểu thương hỏi cá. Và bắt đầu ngã giá thu mua. Chốt giá 400.000 đồng/rổ (tương đương 10kg). “Vậy là trừ chừng 10 triệu đồng tổn phí, tối nay kiếm được 70 triệu đồng”, thuyền trưởng Công nói rồi nhẩm tính mỗi ngư dân kiếm được vài triệu đồng. Với vị trí thuyền trưởng anh chỉ mong phiên nào ra khơi cũng được vậy là ổn.
Sẻ chia
 
Cả đêm, anh Công bật ICOM, chiếc máy cứ rè rè, mỗi lần nghe ICOM có tiếng người trao đổi là anh lập tức trả lời. Có lần cùng lúc phát hiện mấy đàn cá, anh Công lập tức dùng ICOM thông báo cho các tàu khác biết tọa độ để tiến đến vây bắt. “Sống chung nghiệp biển, giúp nhau hết mình, có thể gọi tới thì người ta đánh mất luồng cá mình có thể quần bắt được. Nhưng chúng tôi không tranh giành nhau, ai đánh trúng cũng được”, anh Công nói.

 

TRẦN SĨ NGUYÊN
 
 

.