(Baoquangngai.vn) - Mặc dù các ngành chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng cứ đến thời điểm gần tết Nguyên đán, tình hình vi phạm pháp luật về pháo lại diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép. Đây không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường.
Hiểm họa từ mạng xã hội và “chợ mạng”
Hàng năm, cứ vào thời điểm trước và trong dịp tết Nguyên đán, tình trạng chế tạo, tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo nổ, trái phép lại gia tăng và diễn biến phức tạp.
Điều đáng nói là hiện nay đã có rất nhiều vụ việc các em học sinh, thanh, thiếu niên mua nguyên vật liệu và học cách chế tạo trên mạng xã hội, rồi tự chế pháo nổ để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân, gia đình và an ninh trật tự.
Lướt qua các trang mạng xã hội YouTube, TikTok, Facebook,… chỉ cần gõ từ khóa “cách làm pháo”, “hướng dẫn chế tạo pháo nổ”, bên cạnh những video cảnh báo về tác hại từ cơ quan chức năng có không ít video chia sẻ hướng dẫn cách làm các loại pháo khác nhau. Với công thức, cách làm có sẵn trên mạng, nguyên liệu dễ tìm khiến nhiều bạn trẻ tò mò đã tự chế pháo nổ tại nhà mà không lường hết được sự nguy hiểm của việc làm này.
Thực tế, gần đây các vụ tai nạn do pháo tự chế đã gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước là lời cảnh báo nghiêm túc.
Tại Quảng Bình, một vụ nổ pháo tự chế xảy ra vào ngày 7/12/2024 đã khiến 4 học sinh từ 13 đến 14 tuổi cùng trú tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bị bỏng nặng. Theo người nhà của một nạn nhân, nguyên nhân của vụ việc là do các em tự tìm hiểu và chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng xã hội. Vụ nổ đã làm bỏng diện rộng trên cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của các em.
Một vụ nổ khác cũng do pháo tự chế xảy ra tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai vào ngày 8/12/2024 đã khiến 1 học sinh bị trọng thương và sau đó đã tử vong.
Mặc dù gần đây đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm từ pháo nổ tự chế đã xảy ra nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh giới trẻ. Thời gian qua, lực lượng Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện và và xử lý nhiều trường hợp chế tạo pháo và tàng trữ, buôn bán, sử dụng pháo nổ trái phép.
Mới đây, Công an xã Đức Thắng (Mộ Đức) đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý đối với 4 trường hợp là học sinh trên địa bàn xã đang chế tạo pháo. Quá trình làm việc, xác minh được biết, các em đã lên Youtube để học cách chế tạo pháo bằng các nguyên liệu như giấy vở, keo 502, diêm…
Vào ngày 16/12/2024, qua công tác nắm tình hình và vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Công an thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã vận động em N.N.Q. (16 tuổi), ở xã Bình Chánh giao nộp 1.540 gram hóa chất là tiền chất chế tạo pháo nổ, 80 ống giấy hình trụ tròn, rỗng bên trong ruột với tổng khối lượng 1.450 gram và 200 gram hóa chất làm cứng khác.
Số hóa chất và vật liệu này N.N.Q. khai nhận mua trên mạng để về chế tạo pháo nổ theo các video hướng dẫn, mục đích thoả mãn sự tò mò, tạo ra thú vui và thích thể hiện với bạn bè và cũng như trên mạng xã hội.
Cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Hiện nay, trên mạng xã hội, tình trạng mua bán tiền chất chế tạo pháo cũng như những video dạy chế tạo pháo vẫn diễn ra công khai, trong khi ý thức của không ít người dân, nhất là thanh thiếu niên ở độ tuổi học sinh chưa được nâng cao nên nguy cơ xảy ra các tai nạn do tự chế pháo gây ra vẫn còn tiềm ẩn.
Việc chế tạo, sản xuất, sử dụng nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Những tai nạn do pháo tự chế gây ra không chỉ làm tổn thương thể chất mà còn để lại di chứng tâm lý lâu dài cho trẻ; thậm chí nhiều trường hợp tử vong thương tâm vì trò "nghịch dại" này.
N.M.Q và số tiền chất và công cụ chế tạo pháo nổ. Ảnh: C.A CHÂU Ổ |
Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện hoặc tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất và sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức quy định: Hành vi mua bán, hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt nghiêm khắc với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Đối với hành vi mua bán các nguyên liệu dễ gây cháy nổ như: Lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hoặc hướng dẫn chế tạo pháo nổ sẽ bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng, theo quy định tại điểm i, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Ngoài ra, tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép các loại pháo nổ, theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự. Đây là những biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây nguy hiểm đến an toàn xã hội và tính mạng của người dân.
Để ngăn chặn tình trạng chế tạo pháo và tàng trữ, buôn bán, sử dụng pháo nổ trái phép, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là lực lượng Công an cơ sở cần tiếp tục phối hợp, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các quy định và chế tài xử lý vi phạm về pháo nổ và các hành vi liên quan chế tạo pháo, tác hại của pháo nổ gây ra, đặc biệt đối với thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn.
Cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh giáo dục về sự nguy hiểm của pháo tự chế; hướng dẫn trẻ em nhận thức rõ hậu quả nghiêm trọng từ việc chế tạo và sử dụng pháo nổ.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cần "làm sạch" thông tin trên không gian mạng về pháo nổ. Khi những thanh thiếu niên có thể dễ dàng "học" cách chế tạo pháo, thuốc nổ trên mạng, sẽ khó tránh khỏi những chuyện thương tâm. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát và xử lý các trường hợp buôn bán vật liệu chế tạo pháo trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Hiểm họa từ pháo tự chế là một vấn đề không thể xem nhẹ, đặc biệt là vào thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán. Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay hành động, để nâng cao nhận thức, kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ an toàn cho trẻ khỏi những nguy cơ rình rập từ pháo tự chế.
Bài, ảnh: LINH ĐAN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: