(Báo Quảng Ngãi)- Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội hiện diễn biến rất phức tạp, tinh vi. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm.
Thời gian qua, một số đối tượng sử dụng các thủ đoạn mới, tinh vi như giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, người nhà hoặc có quan hệ với lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, gọi vốn đầu tư, kinh doanh hoặc nhận làm thủ tục đưa người đi du lịch, du học hoặc đi lao động, làm việc ở nước ngoài để lừa đảo. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả liên quan đến quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất... để cầm cố, thế chấp, mua bán nhằm chiếm đoạt tài sản.
Công an đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Phương, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an cung cấp |
Đặc biệt, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng gia tăng; hình thức, cách thức tiếp cận ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Phổ biến là các thủ đoạn như tiếp cận, lôi kéo tham gia đầu tư, kinh doanh với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít. Đăng tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok. Nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển... Hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử của cơ quan, doanh nghiệp, đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Theo Trung tá Ngô Văn Đức- Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), một số đối tượng sử dụng chiêu bài cần vốn đáo hạn ngân hàng để vay tiền của người dân, sau đó chiếm đoạt. Như trong tháng 4 và 5/2022, Công an tỉnh tiếp nhận nhiều đơn của công dân tố giác bà Nguyễn Thị Phương (37 tuổi), ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), cựu nhân viên một ngân hàng về việc nói dối cần vốn để làm công trình xây dựng, cần vốn đáo hạn ngân hàng... để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người bị hại.
Từ năm 2020 đến tháng 4/2022, Phương đã chiếm đoạt của nhiều người với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Ngày 9/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt tạm giam đối tượng Phương để xử lý theo quy định của pháp luật. “Để không bị lừa đảo, người dân có tiền cần cho vay thì hãy đến các tổ chức tín dụng chính thống như ngân hàng có uy tín để cho vay (gửi tiết kiệm). Bởi khi gửi tiết kiệm, người dân được ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm. Đặc biệt là, người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, Trung tá Đức khuyến cáo.
Để đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lực lượng công an đã triển khai đồng bộ các giải pháp, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, giải quyết 235 tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thiệt hại hơn 294 tỷ đồng. Qua đó, khởi tố gần 50 vụ, 26 bị can. Điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Xuân Vinh (31 tuổi), ở thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Vinh truy cập vào trang Google, tìm từ khóa “Xe quá tải” thì ra kết quả nhiều tin, bài xe ô tô bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm lỗi chở hàng quá tải. Vinh xem hình ảnh logo của doanh nghiệp, biển số xe, tìm hiểu thông tin doanh nghiệp rồi xưng là lãnh đạo cơ quan công an, hoặc cán bộ đang xử lý xe vi phạm của doanh nghiệp, nói đặc điểm xe vi phạm và hứa sẽ xử lý nhẹ lỗi. Nếu đồng ý thì Vinh yêu cầu doanh nghiệp chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Vinh. Với thủ đoạn trên, trong năm 2021, Vinh đã thực hiện 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 130 triệu đồng. Hành vi của Vinh đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố theo quy định.
Bài, ảnh: BÁ SƠN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: