THÀNH CÔNG VỚI MÔ HÌNH NẤM BÀO NGƯ XÁM
Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh với chuyên ngành Quản lý môi trường, năm 2011, chị Ngô Thị Yến Nhi (34 tuổi), ở thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), quyết định về quê lập nghiệp. Ban đầu chị Nhi làm tư vấn lĩnh vực môi trường tại một công ty tư nhân ở TP.Quảng Ngãi. Sau đó, chị theo đuổi đam mê khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư xám. Năm 2019, chị Nhi lên TP.Đà Lạt học nghề, rồi về quê đầu tư 2 trại nấm. Thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, chị Nhi sở hữu 4 trại nấm, mỗi tháng thu hoạch 2 đợt, với hơn 600kg nấm.
Chị Ngô Thị Yến Nhi, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), thành công với mô hình sản xuất nấm bào ngư xám. ẢNH: K.NGÂN |
Ngoài ra, chị Nhi còn đầu tư làm trại phôi nấm để cung cấp cho các hộ trồng nấm trong và ngoài địa phương. Mỗi tháng cơ sở của chị Nhi bán ra thị trường gần 20 nghìn bịch phôi nấm. “Trong quá trình làm phôi nấm, tôi nghiên cứu các kỹ thuật để tạo được phôi có hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp nấm phát triển tốt, cho năng suất cao. Cùng với đó, tôi hướng dẫn cho khách hàng kỹ thuật trồng nấm cũng như cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân”, chị Nhi cho biết.
ô hình khởi nghiệp của chị Nhi mỗi tháng cho thu nhập hơn 25 triệu đồng. Với thành công bước đầu, chị Nhi đang mở rộng quy mô sản xuất và hoàn tất các thủ tục thành lập hợp tác xã trồng nấm bào ngư để tạo việc làm cho thanh niên và các hộ dân tại địa phương. Chị Nhi chia sẻ, tuổi trẻ phải phấn đấu để phát triển kinh tế. Sắp tới, cơ sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu. Đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị để tạo sản phẩm nấm khô, đóng gói, hút chân không, gắn nhãn mác. Việc tạo sản phẩm nấm sấy khô giúp sản phẩm được bảo quản tốt hơn, lâu hơn, có thể đưa đi xa tiêu thụ...
KINH DOANH ĐẶC SẢN QUÊ HƯƠNG
Từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương, chị Dương Thị Hồng Hạnh cùng hai anh Cao Quyền Lê, Phạm Trần Huy, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), đã khởi nghiệp kinh doanh từ các sản phẩm như cá đưỡng rim, mực rim, rong biển cháy tỏi. Các sản phẩm này được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Chị Dương Thị Hồng Hạnh cùng cộng sự đã chọn đặc sản quê hương để khởi nghiệp kinh doanh. ẢNH: TRUNG ÂN |
Anh Cao Quyền Lê nhớ lại, trong một lần cắm trại ở biển, chúng tôi quay video rồi đăng lên Facebook để lưu giữ kỷ niệm. Trong nội dung video có chủ đề ẩm thực, chúng tôi ra chợ mua cá khô, loại cá mà người dân hay gọi là cá đưỡng. Thấy lạ vì trước giờ chưa nghe tên loại cá này, nên chúng tôi mua về rim. Món cá rất ngon. Trò chuyện mới biết, ngư dân ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đánh bắt cá đưỡng rất vất vả, nhưng khó tiêu thụ.
Sau chuyến đi hôm ấy, chị Hạnh, anh Huy và anh Lê lên ý tưởng thành lập cơ sở “Bếp chị hai mình”, đưa sản phẩm cá đưỡng rim - đặc sản của vùng biển Quảng Ngãi ra thị trường, đồng thời hỗ trợ đầu ra cho ngư dân. Trong nhóm, mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau để phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Anh Lê phụ trách việc thiết kế dán nhãn, bao bì, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội; chị Hạnh đảm đương việc sản xuất, chế biến sản phẩm; anh Huy chịu trách nhiệm về nguyên vật liệu, kết nối với các cửa hàng tạp hóa, đại lý, mở rộng kênh bán hàng. Chị Hạnh chia sẻ, nguồn hải sản của vùng biển Quảng Ngãi dồi dào, tươi ngon, có thể tạo ra sản phẩm cá rim thơm ngon, chất lượng, nên chúng tôi tận dụng lợi thế này để làm các sản phẩm hải sản khô.
Sản phẩm của cơ sở “Bếp chị hai mình” được đầu tư bao bì, nhãn mác chuyên nghiệp để tiếp cận khách hàng tốt hơn. Ảnh: TRUNG ÂN |
Nghĩ là làm, cuối tháng 10/2023, chị Hạnh mày mò, tìm công thức, rồi thử nghiệm chế biến đồ khô thành những món rim có vị mặn ngọt hòa quyện, bảo quản trong hũ, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiện lợi. Trong quá trình chế biến, cơ sở không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia để tạo màu, gây mùi... Thời gian đầu, sản phẩm của cơ sở “Bếp chị hai mình” chưa được khách hàng biết đến nhiều. Tận dụng Facebook, nhóm của anh Lê tích cực livestream, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Mặt khác, cơ sở chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác để tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chị Hạnh chế biến thêm mực rim, rong biển cháy tỏi để đa dạng sản phẩm. Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất cung cấp cho thị trường từ 200 - 300 hộp cá rim, mực rim, rong biển cháy tỏi, giá dao động từ 100 - 160 nghìn đồng/hộp. Anh Huy cho biết, dịp tết Nguyên đán vừa qua, cơ sở có nhiều đơn hàng từ trong tỉnh đến các tỉnh, thành phố. Để có được kết quả này, Tỉnh đoàn đã tạo điều kiện để chúng tôi đưa sản phẩm quảng bá tại Phiên chợ Thanh niên. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục xây dựng thương hiệu, nâng tầm chất lượng sản phẩm, tham gia đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương.
KIM NGÂN - TRUNG ÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
|