(Báo Quảng Ngãi)- Ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư trang thiết bị máy móc, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt gắn với quản lý chất lượng tiên tiến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Theo công bố của Bộ NN&PTNT, năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành hàng nông sản cả nước đạt 5,6 tỷ USD, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 3,6 tỷ USD, tăng hơn 138% so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, dư địa xuất khẩu của ngành hàng nông sản và thực phẩm còn rất lớn, là cơ hội để các DN trong nước nói chung, của tỉnh nói riêng tập trung phát triển và mở rộng thị phần.
Nhiều tiềm năng
Đồng muối Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) được xem là vựa muối lớn nhất miền Trung với diện tích khoảng 105ha, cung ứng ra thị trường từ 6.000 - 7.000 tấn muối/năm. Ngoài sản lượng ổn định, muối Sa Huỳnh còn sở hữu lợi thế về chất lượng cũng như danh tiếng của làng nghề sản xuất truyền thống hàng trăm năm, nên được xem là mặt hàng có nhiều tiềm năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kết nối, hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng, thực hiện các chuỗi nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với Hợp tác xã (HTX) Sản xuất muối II - Sa Huỳnh và Công ty TNHH MTV Muối Sahu, phường Phổ Thạnh. Hiện có 6 sản phẩm được chế biến từ muối Sa Huỳnh (gồm muối hột, muối hầm, muối xay, muối bọt, muối tre và hoa muối) được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) công nhận “Chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn”.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, Công ty TNHH Muối Phong Phú, xã Đức Chánh (Mộ Đức) đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng sản lượng tiêu thụ muối lên trên 2.000 tấn/năm. |
Giám đốc Công ty TNHH MTV Muối Sahu Phạm Thị Hồng Thắm cho rằng, cùng với chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn, thời gian qua, Nhà nước cũng đã hỗ trợ cho DN đầu tư cơ giới hóa chế biến, gắn với mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm muối. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chí chất lượng muối đáp ứng yêu cầu của ngành hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm... góp phần gia tăng giá trị cạnh tranh của muối và sản phẩm sau chế biến từ 15 - 50 lần. Vì vậy, sản lượng thu mua và chế biến muối Sa Huỳnh gia tăng qua từng năm, từ 200 tấn (năm 2020) lên khoảng 1.000 tấn (năm 2024).
Đồng hành cùng diêm dân và DN chế biến muối, Sở NN&PTNT đang triển khai thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối Sa Huỳnh giai đoạn 2021 - 2025, với kinh phí 60 tỷ đồng. Mục tiêu là đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường, điện và cải tạo hệ thống thủy lợi đồng muối, xây dựng kho bảo quản với sức chứa 5.000 tấn muối/năm... Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng muối đạt 12 nghìn tấn và năm 2030 là trên 20 nghìn tấn; trong đó, 100% diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như vị thế muối Sa Huỳnh, đáp ứng yêu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Nỗ lực vươn ra "biển lớn"
Trong 2 năm (2023 - 2024), Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã hỗ trợ các HTX, DN triển khai thực hiện 4 dự án, kế hoạch sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nước mắm, muối, nấm và các sản phẩm từ nấm với tổng kinh phí hơn 10,33 tỷ đồng, trong đó ngân sách nnhà nước 1,53 tỷ đồng. Cụ thể: HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức); Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Mười Quý, xã Bình Đông (Bình Sơn); Công ty TNHH Muối Phong Phú, xã Đức Chánh (Mộ Đức); Công ty TNHH MTV Nấm dược liệu Ninh Trương, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh)...
Điều này đã giúp DN có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giá bán sản phẩm tương ứng với chất lượng của công nghệ đó, góp phần gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ứng dụng công nghệ, thiết bị vào sản xuất giúp Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Tân Lập (Bình Sơn) nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong cho biết, song song với việc kết nối xây dựng các chuỗi cung ứng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng đồng hành cùng HTX trong việc tư vấn, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa chủng loại cũng như gia tăng hàm lượng chế biến sản phẩm từ nấm. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu được cung ứng liên tục và ổn định về sản lượng, chất lượng cũng như an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm.Tuy nhiên, để các sản phẩm được chế biến từ nấm đủ sức vươn ra "biển lớn”, các HTX mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, truy xuất nguồn gốc là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin với người tiêu dùng, cũng là tiêu chí bắt buộc mà DN cần phải có khi tham gia vào thị trường xuất khẩu. Vì vậy, cùng với việc hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, thủy sản an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh tập trung hỗ trợ nông dân, DN, địa phương đầu tư trang thiết bị, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó là, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm tiêu thụ ổn định và bền vững, nhất là với các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: