Công nghiệp địa phương tăng trưởng mạnh

11:26, 19/03/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ thế mạnh về nguồn nguyên liệu sẵn có, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách.

Phát huy thế mạnh

Trong vòng 10 năm qua, huyện miền núi Sơn Tây luôn có tên trong danh sách địa phương hoàn thành tốt công tác thu ngân sách. Trong đó, năm có số thu ít nhất là 50 tỷ đồng, còn năm có số thu nhiều nhất là 280 tỷ đồng. Nguồn thu này có được là nhờ trên địa bàn huyện Sơn Tây có 6 thủy điện đã đi vào vận hành phát điện thương mại, mang về doanh thu, nộp ngân sách địa phương. Trong đó, thủy điện đóng góp nguồn thu ngân sách lớn nhất là Thủy điện Đăkđrinh, với số nộp ngân sách trong 10 năm qua khoảng 1.000 tỷ đồng, riêng năm 2023 khoảng 150 tỷ đồng. Theo lãnh đạo huyện Sơn Tây, nhờ địa hình rừng núi và hệ thống sông, suối tạo lợi thế trong thu hút các dự án thủy điện. Các dự án thủy điện đưa vào vận hành không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn tăng thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm. Cùng với đó, nhiều thủy điện còn góp phần cung cấp nước trong mùa hạn, cắt lũ vào mùa mưa cho hạ du.

Sản xuất ván thanh tại Nhà máy Nhất Hưng Sơn Hà.
Sản xuất ván thanh tại Nhà máy Nhất Hưng Sơn Hà.

Huyện Ba Tơ và Sơn Hà cũng là 2 địa phương đang triển khai nhiều dự án thủy điện. Chính quyền đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư trong xây dựng để dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng đúng cam kết. Ngoài thu hút các dự án thủy điện, 2 địa phương này còn tập trung thu hút các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu.

Bắt nhịp phát triển

Theo đánh giá của Sở Công thương, Mộ Đức là một trong những huyện đi đầu tỉnh về phát triển công nghiệp địa phương. Trên địa bàn huyện này hiện có 4 cụm công nghiệp (CCN), gồm Quán Lát, Thạch Trụ, thị trấn Mộ Đức và An Sơn, với tổng diện tích gần 140ha. Hiện CCN Quán Lát và Thạch Trụ đã thu hút được 24 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 307tỷ đồng. Trong đó, 16 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho gần 800 lao động. Trong số này có nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sản xuất sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, được người tiêu dùng trong tỉnh tin dùng. Đơn cử như Công ty CP cấu kiện bê tông và hạ tầng Kiến Trường (CCN Quán Lát), vốn đầu tư 45 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2019. Giám đốc Công ty CP cấu kiện bê tông và hạ tầng Kiến Trường Đặng Thế Mỹ cho biết, hiện nhà máy đã đầu tư thiết bị tự động, sản xuất các loại ống cống bằng công nghệ rung lõi, chất lượng vượt trội, thích hợp xây dựng hạ tầng khu dân cư, khu đô thị, hệ thống thoát nước thải đô thị...

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Nhà máy may Vinatex Đức Phổ (Cụm công nghiệp Phổ Hòa, TX.Đức Phổ).
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Nhà máy may Vinatex Đức Phổ (Cụm công nghiệp Phổ Hòa, TX.Đức Phổ).

Đầu năm 2024, Mộ Đức đã thu hút dự án đầu tư hạ tầng CCN An Sơn từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Ngày 22/1/2024, nhà đầu tư là Công ty CP ESG E&C tổ chức lễ khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN An Sơn ở xã Đức Lân. Cụm công nghiệp An Sơn có quy mô hơn 50ha, tổng vốn đầu tư gần 265 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng CCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý vận hành. Hiện UBND tỉnh cho chủ đầu tư thuê đất đợt 1, với hơn 11ha để triển khai xây dựng dự án. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, hiện tại huyện đang tích cực thu hút các dự án đầu tư phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện, để đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp địa phương. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án thuộc ngành chế biến nông lâm sản và thân thiện với môi trường, từ đó nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân cải thiện đời sống.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:26, 19/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.