(Baoquangngai.vn)- Tôi cứ nghĩ, chắc chỉ có chợ ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh mới bị ế ẩm, chứ chợ ở những vùng xa hay thành phố nhỏ thì chưa đến nỗi quá bi đát. Hóa ra, không phải vậy. Chợ Quảng Ngãi quê tôi giờ cũng “ế đậm”, còn tôi hỏi một đứa cháu buôn bán ở chợ TP.Bắc Giang, thì cháu nói đã phải “bỏ chợ” từ mấy tháng nay, chuyển sang làm việc khác, vì “trụ không nổi”.
Có thể nói, chuyện chợ truyền thống bị ế là chuyện cả nước, chứ không riêng chuyện của địa phương nào. Như thế, muốn “cứu chợ truyền thống” thì giải pháp phải đến từ Trung ương, chứ không phải từ một số địa phương.
Đìu hiu chợ truyền thống. Ảnh minh họa |
Hồi trước dịch covid, chợ truyền thống đã phải cạnh tranh với hệ thống siêu thị trong cả nước. Sau dịch, chợ truyền thống lại phải cạnh tranh với “chợ online trên mạng”, mà “đối thủ” này coi bộ lại rất mạnh, tầm phủ sóng cả nước, thuận tiện vô cùng cho người mua hàng. “Chợ online” phục vụ đến tận tay người tiêu dùng, nhận hàng rồi OK mới thanh toán. Chợ truyền thống thì còn trả treo, chứ chợ online thì không.
Gia đình tôi ở Quảng Ngãi đã từng mua khoai sọ, khoai lang tận Trạm Tấu Yên Bái, hàng được chuyển tận tay, chất lượng rất tốt mà giá lại rất rẻ. Đúng là chợ truyền thống thật khó để cạnh tranh với “bà online” này. Đó là sự thay đổi hình thái kinh doanh, là “chuyển đổi số” hay “4.0” gì đó, tiên tiến hơn, thuận tiện hơn cho người tiêu dùng, vì thế sự phát triển của loại hình chợ này đang “phủ sóng” với tốc độ phi mã.
Ai cũng biết, Tết này sức mua yếu trong cả nước. Hoàn toàn do khó khăn về kinh tế.
Vậy thì làm sao để cứu chợ truyền thống ? Vì chợ truyền thống thì đóng thuế khá đầy đủ, còn chợ online trên mạng thì khả năng đống thuế còn khá tù mù. Tổng cục Thuế chắc chắn thích chợ truyền thống hơn chợ online, nhưng làm sao để cứu chợ truyền thống, thì câu hỏi này không phải dễ trả lời.
Nếu từ bây giờ nhà nước có những chính sách thu thuế “nhẹ tay” hơn với tiểu thương chợ truyền thống, cùng áp dụng thêm những biện pháp khiến tiểu thương có thể bám chợ truyền thống, làm sao để tiểu thương chợ truyền thống có lời khi buôn bán ngoài chợ, dù lời lãi so với trước có giảm đi. Giảm nhưng không quá mức, đến nỗi người buôn bán ngoài chợ không tìm thấy đường ra.
Đây phải coi như một quyết sách mang tính chiến lược, chứ không phải chỉ là chiến thuật. Ở các nước phát triển, dù hệ thống siêu thị vẫn là hệ thống phân phối chính, nhưng bên ngoài siêu thị, vẫn còn tồn tại những “chợ Xanh” cho người buôn bán nhỏ. Những “chợ Xanh” ấy với những mặt hàng mang tính đặc trưng, thu hút khách du lịch nên có thể vừa là chợ vừa là điểm du lịch. Ở Sài Gòn cũng vừa trùng tu chợ Bến Thành để chợ truyền thống hàng trăm năm tuổi này vừa là chợ vừa chợ - du lịch. Nhưng mô hình chợ lớn lại có những điều kiện như chợ Bến Thành mới làm được mô hình chợ - du lịch này, chứ những chợ khác thì coi bộ khó hơn rất nhiều.
Trong khi nhà nước chưa có được chính sách thuế hợp lý cho “chợ online”, thì việc đóng thuế hay thu thuế vẫn phải dựa vào các chợ truyền thống. Trong tình trạng chợ đang ế ẩm như hiện nay, tương lai cũng chưa biết thế nào, thì rất cần những “giải pháp cứu chợ” vừa hợp lý vừa nhân văn. Vì những tiểu thương chợ truyền thống từ bao nhiêu năm nay đã đóng thuế rất đầy đủ cho nhà nước, bây giờ họ khó khăn như vậy, chẳng lẽ “thấy nguy mà không cứu”.
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: