(Báo Quảng Ngãi)- Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế với thế giới ngày càng sâu rộng, việc nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại rất cần thiết đối với các doanh nghiệp (DN). Vì thế, thời gian gần đây, Bộ Công thương đã tích cực phối hợp với Sở Công thương Quảng Ngãi tổ chức tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Công nhân Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành gia công hàng xuất khẩu sang Châu Âu. Ảnh: Thanh huyền |
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 hiệp định đã ký kết, 2 hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Việc tham gia nhiều FTA giúp nước ta tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh cơ hội, DN cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn của các nước cùng tham gia xuất khẩu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu thì sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước.
Phó Giám đốc Sở Công thương Đỗ Tiến Đạt nhận định, hiện tại, năng lực ứng phó của DN trên địa bàn tỉnh đối với công tác phòng vệ thương mại còn hạn chế, nguy cơ bị áp dụng biện pháp này đối với hàng hóa xuất khẩu vẫn rất lớn. Chính vì thế, việc trang bị kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh hiểu rõ pháp luật về phòng vệ thương mại và quy định về phòng vệ thương mại trong một số FTA là rất cần thiết. Đặc biệt là, công tác ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Quảng Ngãi và tác động từ thực tiễn của các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua đối với sản phẩm xuất khẩu này.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Chu Thắng Trung, tác động của các FTA mang đến nhiều cơ hội song cũng đan xen những thách thức, rủi ro cho DN. Vì thế, DN cần chú ý quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các FTA mà Việt Nam tham gia. Từ đó, sẵn sàng ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN. Hơn nữa, hiểu biết về phòng vệ thương mại cũng chính là cách giúp DN tự tin hội nhập, tận dụng có hiệu quả hơn lợi thế mà các FTA mang lại. Qua đó, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Cục Hải quan tỉnh, hiện nay, Quảng Ngãi có khoảng 400 DN tham gia xuất, nhập khẩu, trong đó có 100 DN hoạt động thường xuyên. GIai đoạn 2020 - 2022, bình quân thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Ngãi đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến ngày 25/4, nguồn thu thuế xuất nhập khẩu đạt khoảng 2.350 tỷ đồng. |
THANH HUYỀN