Tiếp sức cho ngư dân chuyển đổi nghề lưới kéo

21:10, 18/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 10 năm triển khai các giải pháp giảm tàu cá hành nghề lưới kéo, toàn tỉnh hiện vẫn còn 1.225 tàu cá hoạt động nghề này. Để tiến đến xóa bỏ nghề lưới kéo, ngư dân cần sự tiếp sức để chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, nghề lưới kéo khai thác theo kiểu “lọc nước lấy cá”, nên gây ra những tác hại lớn cho môi trường biển cũng như nguồn lợi hải sản. Vì vậy, từ năm 2014, tỉnh đã không cấp phép cải hoán, đóng mới tàu hành nghề này. Nhờ đó, toàn tỉnh đã giảm tàu lưới kéo từ 1.963 chiếc (năm 2014), xuống còn 1.225 chiếc (cuối năm 2023) và đang tiếp tục giảm, tiến tới xóa bỏ nghề lưới kéo vào năm 2030.

Trong số 1.225 tàu hành nghề lưới kéo hiện nay, có 992 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đánh bắt ở tuyến lộng và xa bờ, nhưng phần lớn hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, thu nhập của ngư dân bấp bênh, không có điều kiện sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện định kỳ, dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong quá trình hoạt động.

Nhiều tàu cá hành nghề lưới kéo của ngư dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) neo bờ, bị hư hỏng, xuống cấp.
Nhiều tàu cá hành nghề lưới kéo của ngư dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) neo bờ, bị hư hỏng, xuống cấp.

Như tại phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), nhiều chủ tàu lưới kéo rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì nợ”. Ông Nguyễn Tôn (65 tuổi), ở tổ dân phố Thạch By 1, phường Phổ Thạnh chia sẻ, gần 3 năm nay, đôi tàu của tôi đánh bắt hải sản không đạt hiệu quả. Hầu hết các chuyến biển thua lỗ khiến cuộc sống gia đình khó khăn, chật vật; không có chi phí để sửa chữa tàu.

Với tàu lưới kéo, định kỳ phải bảo dưỡng 2 lần/năm, nhưng đôi tàu của tôi đã gần 3 năm chưa được sửa chữa, bảo dưỡng.  "Làm ăn không hiệu quả, tàu hư hỏng không an toàn nên giờ tôi chỉ muốn chuyển hẳn lên bờ, tìm việc khác để làm. Nhưng cái khó là không có chi phí để xử lý phương tiện và đầu tư, tiếp cận nghề mới", ông Tôn bộc bạch.

Còn ngư dân Nguyễn Mây, ở tổ dân phố Thạnh Đức 1 (phường Phổ Thạnh) có tàu hành nghề lưới kéo cũng mong mỏi Nhà nước có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi nghề. Ông Mây cho biết, tôi không thể chuyển sang nghề khai thác hải sản khác, phần vì tuổi đã cao, phần do không có nguồn lực để đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu và mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị. Đôi tàu hành nghề lưới kéo của tôi hiện đã cũ kỹ, lớp sơn bong tróc. Một vài vị trí ở vỏ tàu còn bị thủng, trang thiết bị trên tàu thường xuyên bị trục trặc, nên chi phí đầu tư cải hoán sẽ rất lớn. Vậy nên, tôi mong Nhà nước sớm có cơ chế hỗ trợ một lần, hoặc cho vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, chỉ có số ít chủ tàu hành nghề lưới kéo làm ăn hiệu quả, còn lại hầu hết là thua lỗ, thu nhập bấp bênh. Nhiều ngư dân có tàu lưới kéo công suất nhỏ, chiều dài dưới 15m (tổng cộng 233 tàu) hoạt động kém hiệu quả, tính bỏ nghề, lên bờ tìm hướng mới để phát triển kinh tế gia đình. Đối với những chủ tàu có chiều dài từ 15m trở lên thì mong có chính sách hỗ trợ để sửa chữa, nâng cấp tàu, mua sắm trang thiết bị để chuyển sang các nghề khai thác thân thiện hơn.

Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Viết Thanh cho biết, ngư dân hành nghề lưới kéo cần được tiếp sức từ các chính sách hỗ trợ để tái đầu tư phương tiện, đảm bảo điều kiện hành nghề khai thác hải sản phù hợp, bền vững; hoặc chuyển từ nghề lưới kéo sang làm các ngành nghề khác trên bờ. Có vậy mới tạo sinh kế bền vững cho ngư dân và tiến tới xóa bỏ tàu hành nghề lưới kéo.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:10, 18/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.