(Báo Quảng Ngãi)- Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành thủy sản cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải hiện nay.
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh, đến năm 2025 phát triển diện tích nuôi tôm đạt 850ha, sản lượng 7.000 tấn và tập trung chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, nghề nuôi tôm nước lợ đang gặp khó khăn, nên diện tích hoang hóa ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Văn Hà, ở xã Đức Minh (Mộ Đức) cho biết, thời tiết nắng, mưa thất thường khiến tôm không thích ứng được. Tôi đã cải tạo ao nuôi rất kỹ, đắp bờ ao khá kiên cố, đóng giếng để hút nước vào hồ nhưng vẫn thất bát vì tôm chết.
Nhiều hồ tôm ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) đang để hoang hóa vì nghề nuôi tôm gặp khó khăn. |
Tại hầu hết các vùng nuôi tôm trong tỉnh xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt do các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy... Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho rằng, tôm bị dịch bệnh do nhiều nguyên nhân như thời tiết bất thường, chất lượng con giống chưa đảm bảo, nguồn nước ô nhiễm, công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi tôm còn nhiều hạn chế… Cùng với đó, điểm nghẽn lớn nhất trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) và khai thác hải sản chính là cơ sở hạ tầng không đảm bảo, chính sách hạn điền còn nhiều vướng mắc. Đây là rào cản khiến quy mô khai thác và NTTS còn nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh dễ bùng phát.
Trong khi đó, lĩnh vực khai thác hải sản lại đối diện với những thách thức vì thiếu lao động nghề biển; cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hậu cần nghề cá nhỏ lẻ, xuống cấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tổn thất sau thu hoạch và giá thành còn cao, hiệu quả kinh tế thấp. Nguồn lợi hải sản ngày càng suy kiệt do ngư dân sử dụng mắt lưới có kích thước nhỏ hơn quy định, số lượng tàu hoạt động nghề giã cào (nghề cấm) chiếm gần 30%, tàu có chiều dài dưới 15m hoạt động vùng lộng và gần bờ còn nhiều (trên 1.300 chiếc), gây tác động lớn đến hệ sinh thái và nguồn lợi ven bờ. Ngư dân Nguyễn Thành Sơn, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) cho biết, nghề biển trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, thu nhập của chủ tàu và bạn biển đều bị giảm sâu. "Tình trạng cửa biển, luồng lạch, cơ sở hạ tầng cảng cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá cần được cải thiện, để ngư dân thuận lợi hơn trong việc đánh bắt hải sản", ông Sơn nói.
Kế hoạch hành động của Sở NN&PTNT về thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025 đề ra mục tiêu: Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 6 - 7%/năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 272 nghìn tấn (khai thác thủy sản đạt 260 nghìn tấn). Số lượng tàu thuyền khai thác giảm còn 4.500 chiếc. Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.400ha, trong đó nuôi vùng nước lợ 900ha và nuôi trên biển đạt 2.000 lồng nuôi. Xây dựng 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất-chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Có 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định của Nhà nước. |
Nhận diện điểm nghẽn và thách thức, những năm qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ven biển đã có nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hành động thực hiện cơ cấu lĩnh vực thủy sản đến năm 2025. Trong đó có việc quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh trong NTTS; triển khai thực hiện công tác điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa; tổ chức các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản ở một số thủy vực tự nhiên với các loài thủy sản bản địa, đặc hữu, phù hợp, có giá trị kinh tế cao…
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong đợi. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho biết, theo các chính sách hỗ trợ khai thác hải sản, NTTS theo hướng công nghệ cao, VietGAP thì không có hộ nào đủ điều kiện tiếp nhận. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm giảm. Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, trước hết cần hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi, đầu tư đồng bộ các khu neo đậu tránh trú cho tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá...
Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, để thực hiện mục tiêu đạt 260 nghìn tấn đến năm 2025, việc cấp bách hiện nay là bảo vệ, khôi phục và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho rằng, cần tính toán thực hiện lộ trình “biển nghỉ” trong mùa sinh sản của cá, tập trung vùng ven bờ. Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tăng cường việc điều tra, cập nhật và cung cấp cho ngư dân những thông tin liên quan đến tình hình ngư trường, hướng di chuyển của đàn cá, hoặc thời vụ khai thác phù hợp của các nghề khuyến khích phát triển như lưới vây khơi, mành chụp, câu mực, câu cá ngừ đại dương… Qua đó, giúp ngư dân chủ động trong việc định hướng ngành nghề cũng như tổ chức sản xuất trên biển.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: