(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) được mệnh danh là làng chài chuyên câu cá hố, với gần 150 tàu công suất lớn, chuyên câu cá hố ở vùng biển xa bờ. Song, 3 năm trở lại đây, hầu hết ngư dân gắn bó với nghề này đều chuyển nghề, hoặc cho tàu thuyền vươn khơi cầm chừng, vì sản lượng sụt giảm, giá cá hố lại hạ.
Ông Đỗ Đủ (60 tuổi), ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú trầm ngâm tâm sự, trước đây, trên những con tàu 50 - 60CV, chúng tôi vươn khơi xa, câu những con cá hố nặng 3 - 6kg. Về sau, để hiện đại hóa nghề câu, ngư dân đầu tư tàu công suất lớn 400 - 600CV. Có thời điểm, nghề câu cá hố mang lại thu nhập cho mỗi tàu từ 700 - 800 triệu đồng, có khi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng 3 năm trở lại đây, sản lượng cá hố sụt giảm, giá cá liên tục hạ khiến những ngư dân gắn bó với nghề, trở nên lao đao.
Chủ tàu Võ Văn Tạo cất bớt ngư cụ của nghề câu cá hố vào kho, sau nhiều chuyến biển thua lỗ. |
Vừa trở về sau chuyến biển kéo dài 19 ngày ở ngư trường Trường Sa, chủ tàu Võ Văn Tạo, ở thôn Cổ Lũy Nam, buồn bã cho biết, lênh đênh trên biển dài ngày nhưng tôi cùng 3 ngư dân trên tàu chỉ câu được 6 tạ cá hố, bán được 45 triệu đồng. Những năm 2010 - 2018, bình quân mỗi chuyến biển, tàu tôi luôn đều đặn thu về từ 1 - 2 tấn cá hố, có chuyến đến 3 - 4 tấn.
Không chỉ sụt giảm về sản lượng, mà theo phản ánh của ngư dân, từ năm 2020 đến nay, giá cá hố giảm từ 50 - 60 nghìn đồng/kg so với trước đây. Trong khi đó, giá dầu ngày một tăng cao, việc tìm kiếm lao động đi biển ngày càng khó khăn. Vì vậy, nhiều ngư dân tại thôn Cổ Lũy Nam đã phải cắt giảm các chuyến khai thác từ 10 - 12 chuyến/năm xuống còn 4 - 5 chuyến/năm.
Theo Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa Phú Phan Văn Nhiều, trước đây, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ tại Cổ Lũy Nam đều chuyên câu cá hố. Vài năm trở lại đây, do sản lượng và giá cá hố sụt giảm, ngư dân dần chuyển đổi sang nghề câu lở - chuyên câu cá mú, cá hồng, cá đỏ. Hiện nay, trong số gần 150 tàu làm nghề câu tại Cổ Lũy Nam, chỉ còn khoảng 20 tàu làm nghề câu cá hố. Mặc dù đã chuyển nghề, nhưng tình hình đánh bắt hải sản của hầu hết ngư dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chuyển sang nghề câu lở được 3 năm nay, ngư dân Đỗ Văn Chì, ở thôn Cổ Lũy Nam cho biết, nếu như nghề câu cá hố vươn khơi cách bờ từ 70 - 110 hải lý, thì hải trình của tàu làm nghề câu lở dài hơn gần gấp đôi. Chi phí của nghề câu lở vì vậy tăng từ 50 - 70 triệu đồng/chuyến biển so với nghề câu cá hố. Trong khi đó, cá mú, cá hồng... thường sống trong những rạn san hô ngoài khơi, nên khó đánh bắt.
Sau nhiều chuyến biển thất thu, ngư dân Đỗ Đức Vương, ở thôn Cổ Lũy Nam hiện đang cho tàu nằm bờ để đi làm thuê cho các tàu làm nghề giã cào ở các tỉnh phía bắc. “Ngày trước, tàu nhà tôi đi biển quanh năm. Còn 2 năm nay, khi nghề câu ngày càng khó khăn, từ tháng 5 - 11 tôi đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Tôi chỉ còn duy trì nghề câu khoảng 3 - 4 chuyến biển/năm, đi biển vào thời điểm trước, trong và sau Tết, vì giá cá lúc này nhỉnh hơn so với các thời điểm khác trong năm”, anh Vương bộc bạch.
Bài, ảnh: Ý THU