Sắp xếp, bố trí dân cư vùng bị thiên tai

15:32, 23/12/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai vừa giảm thiểu rủi ro và thiệt hại, vừa giúp người dân có nơi ở an toàn để ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Giúp người dân an cư

Trở lại khu tái định cư (TĐC) Gò Tranh Giữa, ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) vào những ngày cuối năm 2024, chúng tôi cảm nhận được sự bình yên của người dân nơi đây qua những căn nhà sàn san sát, vững chãi, đường sá trải nhựa sạch đẹp, hệ thống điện, nước được kéo đến từng nhà của người dân. Chị Đinh Thị Nhi, ở khu TĐC Gò Tranh Giữa cho biết, tôi được Nhà nước cấp lô đất 400m2. Nhờ chính quyền địa phương và người thân, hàng xóm giúp đỡ nên tôi dựng căn nhà sàn khang trang, kiên cố. Gia đình tôi không còn phải lo sợ mưa tạt, gió lùa và sạt lở núi như trước. Hơn nữa, về nơi ở mới có điện, nước đầy đủ, đường sá tốt hơn nơi ở cũ rất nhiều nên việc buôn bán, đi lại thuận tiện. 

Khu tái định cư Gò Tranh Giữa, ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) khang trang, giúp người dân vùng sạt lở núi có nơi ở mới an toàn để ổn định cuộc sống.
Khu tái định cư Gò Tranh Giữa, ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) khang trang, giúp người dân vùng sạt lở núi có nơi ở mới an toàn để ổn định cuộc sống.

Đây cũng là niềm vui của 39 hộ dân ở khu TĐC Gò Tranh Giữa, những hộ từng sống trong cảnh bất an do sạt lở núi xảy ra vào tháng 9/2020. Trong khi đó, dự án Khu TĐC các hộ dân vùng sạt lở khu dân cư Đắk Dép xã Sơn Màu (Sơn Tây) là 1 trong số 5 dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 (được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023) cũng đã hoàn thành, đảm bảo nơi ở mới an toàn cho 19 hộ dân. Cơ sở hạ tầng khu TĐC Đắk Dép như điện, nước, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học... được xây dựng khang trang, đồng bộ. Ông Đinh Văn Trên, ở xã Sơn Màu chia sẻ, khu TĐC được xây dựng khang trang, đảm bảo an toàn nên khi được về đây ở, chúng tôi không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa gió lớn. Diện tích mỗi lô đất là 400m2, nên ngoài xây nhà sàn còn có thể làm vườn, chăn nuôi gà, vịt để phát triển kinh tế gia đình.

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều khu TĐC tập trung với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ để sắp xếp, bố trí, di dời hàng nghìn hộ dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi an toàn. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát và lập danh mục các dự án sắp xếp, bố trí dân cư vùng bị thiên tai giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Vướng mắc cần tháo gỡ 

Hiện nay, trên địa bàn 5 huyện miền núi trong tỉnh có 1.854 hộ dân, với 7.376 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ, lũ quét. Còn tại 7 huyện đồng bằng có trên 18 nghìn người dân sống ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ biển và ngập lụt. Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh dự kiến lập danh mục 35 dự án TĐC, để ổn định cuộc sống cho 292 hộ dân vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại 5 huyện miền núi; 8 dự án TĐC ổn định cuộc sống cho 262 hộ vùng có nguy cơ cao về thiên tai tại 7 huyện đồng bằng. Riêng năm 2025, Sở NN&PTNT đề xuất thực hiện 8 dự án khu TĐC, tổng kinh phí thực hiện trên 192 tỷ đồng, đảm bảo nơi ở an toàn cho 323 hộ dân ở vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và ngập lụt.

Dưới chân núi có nguy cơ xảy ra sạt lở là những ngôi nhà tạm của người dân ở tổ 1, thôn Gò Khôn, 
xã Ba Giang (Ba Tơ).
Dưới chân núi có nguy cơ xảy ra sạt lở là những ngôi nhà tạm của người dân ở tổ 1, thôn Gò Khôn, xã Ba Giang (Ba Tơ).

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Từ Văn Tám, tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai, phần lớn nhà dân không đảm bảo kiên cố, đặc biệt là ở các địa phương miền núi hầu hết là nhà tạm. Sắp xếp, di dời, bố trí dân cư sẽ giúp người dân có nơi ở an toàn và ổn định, góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, công tác sắp xếp, ổn định dân cư miền núi gặp nhiều khó khăn, phần do chi phí đầu tư lớn, quỹ đất để quy hoạch bố trí dân cư ngày càng hẹp, trong khi nguồn lực hạn chế. Thế nên, nhiều dự án khu TĐC vùng bị thiên tai chưa bố trí vốn thực hiện, đặc biệt là 7 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở và 11 điểm nguy cơ xảy ra sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, ngoài ngân sách tỉnh, các địa phương miền núi cần lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án, trong đó có dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I  từ năm 2021 - 2025. Qua đó, giải quyết các vấn đề cấp thiết hiện nay trong phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và tạo điều kiện phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Tại huyện Trà Bồng, có 2/7 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở và 4/11 điểm nguy cơ xảy ra sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của 228 hộ dân. Thế nhưng, vì được quy hoạch thực hiện các dự án di dời, sắp xếp, bố trí dân cư vùng bị thiên tai nên các hộ dân này rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Chủ tịch UBND xã Trà Phong Trương Ngọc Thanh thông tin, nhà ở xuống cấp, tạm bợ, cộng với nguy cơ sạt lở núi rình rập khiến 85 hộ dân ở khu dân cư đội 4, thôn Trà Niu luôn sống trong cảnh bất an. Tuy nhiên, vì thuộc diện di dời, sắp xếp vào các khu TĐC nên chính quyền cũng như người dân không thể đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà ở.  

Mục tiêu của sắp xếp, bố trí dân cư vùng bị thiên tai vừa đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân, vừa giải quyết kịp thời nhu cầu ổn định chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi. Do đó, bên cạnh sự chủ động trong công tác phòng, tránh thiên tai, chính quyền các địa phương kiến nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư các dự án bố trí dân cư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, giai đoạn 2026 - 2030. Từ đó làm cơ sở thực hiện các dự án khu TĐC để di dời người dân vùng có nguy cơ cao về thiên tai đến nơi ở an toàn.

 Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 15:32, 23/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.