Bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai: Nhu cầu nhiều, nguồn lực ít

10:07, 30/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn lực đầu tư chưa đảm bảo, phê duyệt kế hoạch chậm, định mức hỗ trợ cho người dân còn thấp... khiến việc triển khai thực hiện công tác bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu.
 
[links()]
 
An cư sau sắp xếp
 
Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai đặc biệt khó khăn; biên giới, hải đảo; vùng di cư tự do và khu rừng đặc dụng, giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, từ năm 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 10 dự án bố trí, sắp xếp dân cư với quy mô 166 hộ trong vùng thiên tai, tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở NN&PTNT), các dự án bố trí, sắp xếp dân cư xen ghép và tái định cư (TĐC) tập trung đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân các xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa); Hành Tín Tây, Hành Tín Đông, Hành Nhân (Nghĩa Hành); Tịnh Trà (Sơn Tịnh); Long Mai (Minh Long)...
 
Người dân vùng sạt lở ở trung tâm xã Ba Giang (Ba Tơ) được bố trí, sắp xếp tại chỗ, nhằm ổn định cuộc sống.
Người dân vùng sạt lở ở trung tâm xã Ba Giang (Ba Tơ) được bố trí, sắp xếp tại chỗ, nhằm ổn định cuộc sống.
Tại xã Long Mai, từ cuối năm 2020 đến nay, 11 hộ dân ở thôn Mai Lãnh Hữu không còn bất an mỗi khi có mưa to, bão lớn. Nhờ nguồn kinh phí 220 triệu đồng của Chương trình bố trí dân cư năm 2020 theo Quyết định số 1460/QĐ-UBND của UBND tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức bố trí dân cư xen ghép cho 11 hộ, với 40 khẩu bị ảnh hưởng bởi sạt lở núi đến nơi an toàn. Ông Đinh Văn Hiếu, thôn Mai Lãnh Hữu chia sẻ, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời đến khu Đồng Tranh, đảm bảo an toàn, không còn lo chuyện núi lở nữa.
 
Còn 32 hộ dân tại xã Hành Nhân, cũng có được niềm vui an cư sau khi được Chương trình bố trí dân cư năm 2020 hỗ trợ 320 triệu đồng (10 triệu đồng/hộ) theo hình thức ổn định tại chỗ. Qua đó, góp phần giảm thiểu rủi ro và thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
 
Nguồn lực chưa đảm bảo
 
 Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán khảo sát lập các dự án bố trí, sắp xếp dân cư các vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, giai đoạn 2021 - 2025, với kinh phí gần 2 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách tỉnh) tại 5 huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ và Trà Bồng. Qua đó, sẽ góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Hồ Văn Thu, ở thôn Sơn, xã Sơn Trà (Trà Bồng) cho biết, mùa mưa năm 2021, phía ta luy dương nhà tôi bị sạt lở nặng, đất đá tràn vào nhà. Mỗi khi có mưa to, gió lớn là gia đình tôi lại thấp thỏm, mất ăn mất ngủ. 

 
Không chỉ ông Thu, 29 hộ dân ở thôn Sơn cũng thấp thỏm âu lo núi sạt lở mỗi khi đến mùa mưa bão. Vì vậy, người dân nơi đây phấn khởi khi hay tin Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng khu TĐC ở thôn Sơn, với tổng mức đầu tư 10,6 tỷ đồng, để di dời tập trung 30 hộ vùng sạt lở đến nơi an toàn. Nhưng vì chưa có kinh phí, nên khu TĐC vẫn chưa được triển khai.
 
Trên địa bàn huyện Trà Bồng còn có 442 hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, chủ yếu là sạt lở núi, ven suối; trong đó có 68 hộ, với 257 nhân khẩu tại 7 xã gồm: Sơn Trà, Trà Xinh, Trà Thủy, Trà Bùi, Trà Thanh, Trà Lâm và thị trấn Trà Xuân cần được di dời khẩn cấp. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương, để bố trí, sắp xếp số hộ dân này cần phải xây dựng 15 khu TĐC tập trung, với tổng mức đầu tư gần 159 tỷ đồng. Vì kinh phí lớn, nên ngoài việc tính toán lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư, địa phương mong được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành để sớm triển khai thực hiện.
 
Số liệu khảo sát của Sở NN&PTNT cho thấy, toàn tỉnh có trên 17,4 nghìn hộ đang sinh sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai; trong đó, có gần 6.500 hộ cần được di dời giai đoạn 2021 - 2030. Riêng từ năm 2021 - 2025, cần ưu tiên di dời trên 2.700 hộ. Đối với 5 huyện miền núi của tỉnh có 41 xã bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, trên 6.700 hộ dân sống trong vùng thiên tai và gần 2.000 hộ cần phải di dời khẩn cấp trong năm 2021. 
 
Tuy nhiên, vì nguồn lực không đảm bảo, nên năm 2021 chưa triển khai thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Đó là chưa kể toàn tỉnh hiện có 9 dự án sắp xếp bố trí dân cư cho 920 hộ tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây và TP.Quảng Ngãi, với tổng mức đầu tư trên 514 tỷ đồng đang thực hiện dang dở. Ngoài ra, có 60 dự án bố trí dân cư khẩn cấp cho gần l 1,6 nghìn hộ, tổng mức đầu tư dự kiến trên 662,8 tỷ đồng tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ và TP.Quảng Ngãi vẫn chưa được triển khai vì thiếu kinh phí.
 
Theo Sở NN&PTNT, hiện nhu cầu đầu tư xây dựng các khu TĐC ở những vùng thiên tai của tỉnh rất lớn, nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai theo Quyết định số 1776 của Thủ tướng Chính phủ cũng còn một số bất cập. Như mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình di chuyển người và tài sản còn thấp (20 triệu đồng/hộ). Quỹ đất do Nhà nước quản lý sử dụng để quy hoạch bố trí dân cư ngày càng khó khăn, giá đất ngày càng tăng cao, người dân không đủ khả năng tự mua để bố trí di dời xen ghép.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.