(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện phương án tự chủ tài chính tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2023 - 2025, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Nguyễn Đình Tuyến cho biết, tổng viên chức, lao động ở bệnh viện là 600 người. Từ năm 2019, bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên 100%. Để đảm bảo nguồn chi, hằng năm bệnh viện đã liên kết với các bệnh viện tuyến trung ương, mời các chuyên gia y tế Cuba để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi y đức, đầu tư thiết bị y tế, máy móc hiện đại phục vụ người bệnh. Nhờ đó, những năm qua, bệnh viện đã đảm bảo nguồn chi thường xuyên, chi lương tăng thêm cho viên chức, người lao động, đầu tư sửa chữa nhỏ.
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh gặp một số khó khăn trong thực hiện tự chủ tài chính. Trong ảnh: Các y, bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: TR.AN |
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, thực hiện chủ trương tăng lương cơ sở từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Tăng lương cho người lao động, nhưng giá thu không tăng dẫn đến thiếu hụt trong các khoản chi thường xuyên, cắt giảm lương tăng thêm, không có kinh phí đầu tư sửa chữa nhỏ và đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho y, bác sĩ. “Bệnh viện mong tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư sửa chữa nhỏ, chống xuống cấp, mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế, nhất là lĩnh vực can thiệp tim mạch và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, để bệnh viện tiếp tục phát triển", bác sĩ Tuyến bày tỏ.
Khó khăn của Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh trong tự chủ tài chính cũng là tình trạng chung của 19 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, nhất là y tế tuyến huyện. Những năm qua, nguồn thu của tuyến y tế cơ sở giảm mạnh, do số lượng bệnh nhân đến khám tại các đơn vị giảm, dẫn đến việc thực hiện tự chủ không đảm bảo.
Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng gặp khó khăn khi tự chủ kinh phí, như Đài PT&TH tỉnh và các trung tâm truyền thông - văn hóa - thể thao các huyện, thị xã, thành phố. Nguyên nhân là do xu hướng quảng cáo trên kênh truyền hình địa phương giảm mạnh; nguồn chi nhuận bút và chi hoạt động thường xuyên tăng... Theo lãnh đạo các trung tâm truyền thông - văn hóa - thể thao cấp huyện, thì thực hiện tự chủ tài chính rất khó khăn, bởi nguồn thu quảng cáo, tuyên truyền trên kênh phát thanh không có; nguồn thu từ biểu diễn văn nghệ, cơ sở vật chất thể thao, văn hóa gặp khó...
Tương tự, khi thực hiện tự chủ tài chính, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn. Vì các trường hiện nay khó tuyển sinh viên, mà nguồn thu chủ yếu có được là từ học phí. Dù các trường đã xây dựng chiến lược tuyển sinh, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện, trên cơ sở phương án tự chủ tài chính tại một số đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023 - 2025, do các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng và đánh giá tình hình thực hiện tự chủ tài chính 5 năm liền kề, Sở Tài chính xác định mức độ tự chủ năm 2023 và trình cấp có thẩm quyền giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai phương án tự chủ, một số đơn vị gặp khó khăn khách quan như nguồn thu giảm mạnh do số lượng bệnh nhân đến khám tại các đơn vị y tế rất thấp (do thông tuyến BHYT tỉnh); các trường không tuyển đủ học sinh, sinh viên; xu hướng quảng cáo trên kênh truyền hình địa phương giảm mạnh...
“Sở Tài chính đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, cho phép các đơn vị xây dựng lại phương án tự chủ giai đoạn 2024 - 2025 gửi Sở Tài chính có ý kiến thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”, ông Luyện cho biết.
TRƯỜNG AN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: