Kinh doanh xăng, dầu vượt qua khó khăn

19:59, 02/05/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để đảm bảo cung ứng kịp thời xăng, dầu cho thị trường, trong suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn đã phải chấp nhận lợi nhuận 0 đồng để duy trì hoạt động. Hiện nay, kinh tế đang dần phục hồi, kinh doanh xăng, dầu theo đó cũng đã bắt đầu ổn định.

Từng bước phục hồi

Theo thông tin từ các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh dần trở lại bình thường, nên áp lực cũng được nới lỏng. Hiện tại, chiết khấu bán lẻ xăng dầu đã tăng, giúp DN đảm bảo trả lương cho người lao động, tiền thuê mặt bằng và các khoản chi phí khác. Từ giữa tháng 2 đến hết tháng 4/2024, do lượng tiêu thụ tăng cao, một số cây xăng trên địa bàn tỉnh, công nhân đứng bán đã phải tăng ca, tăng giờ để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt là các khách hàng kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa từ KKT, KCN đi các tỉnh khác và ngược lại.

 Người dân đổ xăng tại cây xăng đường Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi).
Người dân đổ xăng tại cây xăng đường Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi).

Đại diện Công ty CP Xăng dầu Thương mại Sông Trà cho biết, năm 2022 và đầu năm 2023, DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do thiếu nguồn cung và chiết khấu không đáng kể, có nhiều thời điểm chiết khấu âm. Dù phải chịu lỗ, song DN vẫn nỗ lực duy trì hoạt động của 18 cửa hàng trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần giữ vững an ninh năng lượng. Hiện tại, giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Doanh nghiệp đang tiếp tục đổi mới kinh doanh, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức khi thị trường có những biến động khó lường. 

Cần ổn định thị trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 247 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, với 1.053 cột bơm. Trong đó có 4 DN nhà nước, với 48 cửa hàng. Doanh nghiệp ngoài nhà nước có 140 DN, với 199 cửa hàng. Vì gặp quá nhiều khó khăn trong kinh doanh của giai đoạn 2022 - 2023, nên đầu năm 2024 có nhiều DN đã phải chuyển nhượng cửa hàng hoặc phải tạm dừng kinh doanh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại có 29 cột bơm của 13 DN vẫn tạm dừng hoạt động. Trong đó có 5 cột bơm của 1 DN đang làm thủ tục chuyển nhượng cho đơn vị khác do không thể vực dậy hoạt động kinh doanh.

Khi những khó khăn của năm 2022, 2023 chưa thực sự được đầy lùi thì từ ngày 1/1/2024, tất cả các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh phải thực hiện quy định bắt buộc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Nhiều cửa hàng đã phải tiếp tục đầu tư thiết bị để sẵn sàng bắt nhịp với yêu cầu mới trong bán lẻ xăng, dầu nói trên. Theo đó, hiện có 3 DN đã đầu tư hạ tầng, để áp dụng giải pháp gắn thiết bị và cài app vào cột bơm để tự động truyền dữ liệu từ cột bơm đến máy tính, xuất hóa đơn. Còn lại tất cả các DN khác đều xuất hóa đơn bằng hình thức ghi nhận từng lần bán hàng qua ứng dụng máy tính tiền.

Việc cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh thời gian qua ổn định có vai trò quản lý nhà nước kịp thời, chặt chẽ của Sở Công thương. Ngoài kiểm tra, nhắc nhở kinh doanh, Sở đã đề nghị Bộ Công thương, UBND tỉnh có những giải pháp nhằm từng bước ổn định thị trường. Đặc biệt là kiến nghị điều chỉnh cơ chế kinh doanh xăng, dầu cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cụ thể là mức chi hoa hồng tối thiểu cho các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ phù hợp, hài hòa, đảm bảo chi phí hoạt động để các DN kinh doanh xăng, dầu không bị lỗ. Đồng thời yêu cầu các cửa hàng bán lẻ có kế hoạch, phương án đảm bảo nguồn cung xăng, dầu; không được tự ý dừng bán hàng; nếu xin dừng bán hàng phải được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 19:59, 02/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.