(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chính quyền và các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở huyện Bình Sơn đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm có chất lượng; đồng thời, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ... Nhờ vậy, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định được thương hiệu đối với người tiêu dùng.
Xây dựng thương hiệu
Sản phẩm bột ngũ cốc Hương Nguyên của hộ kinh doanh Hương Nguyên do chị Nguyễn Thị Hường, ở xã Bình Nguyên làm chủ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào giữa năm 2023. Từ khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm tăng mức độ nhận diện thương hiệu, uy tín, có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, thị trường và được hỗ trợ đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hường, ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn), giới thiệu các dòng sản phẩm ngũ cốc giàu dinh dưỡng. |
Đến nay, huyện Bình Sơn có 11 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao; trong đó, có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng ở địa phương như: Hành tím Bình Hải, tinh bột nghệ Bình Châu, chanh thơm Bình Thanh... |
Chị Hường chia sẻ, sản phẩm bột ngũ cốc Hương Nguyên ra mắt thị trường từ năm 2020. Sau nhiều năm nỗ lực, xây dựng thương hiệu thì sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Bột ngũ cốc được làm nên từ 19 loại đậu; trong đó, có các loại đậu, hạt sen, gạo lứt được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các sản phẩm của nông dân địa phương.
“Ngoài sản phẩm bột ngũ cốc từ 19 loại hạt, tôi còn sản xuất những dòng sản phẩm như ngũ cốc thuần Việt, ngũ cốc nguyên hạt ăn liền, mộc trà. Tất cả các dòng sản phẩm đều không có chất bảo quản, không phụ gia hương liệu nên an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Cơ sở cũng đầu tư nhiều máy móc hiện đại, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm như đầu tư máy xay chuyên dụng, xay ra bột mịn, áp dụng công nghệ đậu ngâm ủ mầm...”, chị Hường cho biết.
Nhờ sự đầu tư bài bản cho các sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nên các sản phẩm của chị Hường không chỉ được bày bán ở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh, mà còn có mặt trên các sàn thương mại điện tử... “Năm 2023, tôi thu mua và nhập gần 2 tấn các loại đậu, hạt để làm nguyên liệu sản xuất các dòng sản phẩm. Hiện nay, tôi và các cơ quan chức năng của huyện Bình Sơn đang lên phương án lựa chọn, quy hoạch vùng trồng nguyên liệu tập trung tại địa phương để vừa chủ động nguồn nguyên liệu sạch, vừa tạo điều kiện hỗ trợ, bao tiêu sản xuất cho nông dân”, chị Hường cho hay.
Sản phẩm nước mắm của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Mười Quý ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Năm 2024, huyện phấn đấu có từ 4 - 6 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Cùng với đó là hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể nâng cao chất lượng từ 1 - 3 sản phẩm OCOP đã đạt chuẩn 3 sao có tiềm năng, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị đánh giá nâng hạng lên 4 sao. Hy vọng với những giải pháp thiết thực sẽ tạo điều kiện chắp cánh cho các sản phẩm OCOP vươn xa, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo”. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn UNG ĐÌNH HIỀN |
Nhắc đến các sản phẩm nước mắm của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Mười Quý ở xã Bình Thạnh, người tiêu dùng hầu như không còn xa lạ. Bởi các dòng nước mắm Mười Quý đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Dù sản xuất, kinh doanh mặt hàng nước mắm truyền thống, nhưng công ty luôn đầu tư, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, khắt khe của người tiêu dùng.
“Từ nguồn nguyên liệu là cá cơm tươi, đánh bắt từ những vùng biển nổi tiếng có nguồn cá cơm thơm ngon, dồi dào trong tỉnh, sản phẩm nước mắm của công ty luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian qua, công ty đã tập trung nghiên cứu cho ra mắt 2 sản phẩm nước mắm đặc biệt là: Nước mắm cốt thượng hạng Mười Quý và nước mắm cốt đặc biệt Mười Quý. Những dòng sản phẩm này không chỉ có chất lượng thơm ngon, đặc trưng mà còn được đầu tư mẫu mã rất đẹp mắt, tinh tế. Đây là 2 sản phẩm được huyện Bình Sơn định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện công ty đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp huyện và đang chờ đánh giá”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Mười Quý Đào Trọng Mười chia sẻ.
Đồng hành cùng chủ thể và doanh nghiệp
Xây dựng sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể các cấp ở huyện Bình Sơn luôn quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng các chủ thể, doanh nghiệp, địa phương trong phát triển sản phẩm đặc trưng.
Huyện Bình Sơn trao chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2023. Ảnh: NGUYÊN HƯƠNG |
Trong năm 2023, huyện Bình Sơn đã đầu tư hơn 400 triệu đồng từ ngân sách nhà nước để phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp thay đổi, nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm... Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; bố trí các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện trong các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; tổ chức chương trình “Kết nối tình quê” tại một số tỉnh, thành phố để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP...
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, huyện xác định việc thực hiện Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện. Để thực hiện có trọng tâm, hiệu quả, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Cụ thể là, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về chương trình. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu đặc trưng. Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu...
Bài, ảnh: HIỀN THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: