Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

17:38, 29/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Kết quả, Quảng Ngãi xếp hạng thứ 43/63 tỉnh, thành phố.

Tăng điểm nhưng hạ bậc  

Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần nhằm đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Quảng Ngãi từng đặt mục tiêu đạt vị trí xếp hạng PCI năm 2023 vào tốp 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.
 
Theo kết quả công bố năm 2023, PCI Quảng Ngãi đạt 65,76 điểm (có trọng số), tăng 0,58 điểm và đạt 67,25 điểm (không trọng số), tăng 1,65 điểm so với năm 2022; xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 10 bậc so với năm 2022. Trong khu vực Duyên hải miền Trung, năm 2023, Quảng Ngãi xếp hạng 10/14 tỉnh, thành phố, giảm 1 bậc so với năm 2022.
 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.
                                     ẢNH: X.HIẾU
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: X.HIẾU

PCI năm 2023 của Quảng Ngãi có 6/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2022, gồm: Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Đào tạo lao động. Có 4/10 chỉ số giảm điểm so với năm 2022 là: Tiếp cận đất đai; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN); Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.

Theo kế hoạch đề ra trong Quyết định số 838/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 của UBND tỉnh, kết quả PCI Quảng Ngãi năm 2023 có 5/10 chỉ số thành phần vượt chỉ tiêu gồm: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động. Còn lại 5 chỉ số thành phần chưa đạt yêu cầu đề ra gồm: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Chính sách hỗ trợ DN, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Năm 2023, chỉ số Gia nhập thị trường của Quảng Ngãi dẫn đầu cả nước với 8,2 điểm (không trọng số), tăng 0,27 điểm so với năm 2022; 0,41 điểm (có trọng số), tăng 0,01 điểm so với năm 2022. Đây là năm thứ hai Quảng Ngãi tiếp tục dẫn đầu về chỉ số này. Gia nhập thị trường là chỉ số đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các DN giữa các tỉnh với nhau, gồm các chỉ tiêu như: Thời gian đăng ký DN; thời gian thay đổi nội dung đăng ký DN; hướng dẫn về thủ tục đăng ký DN tại bộ phận một cửa có rõ ràng, đầy đủ; cán bộ thực hiện thủ tục đăng ký DN am hiểu chuyên môn, nhiệt tình, thân thiện, ứng dụng tốt công nghệ thông tin...

Chỉ số này cho thấy, thủ tục gia nhập thị trường của tỉnh được DN đánh giá thuận lợi nhất so với cả nước, thể hiện qua các chỉ tiêu như tỷ lệ DN đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký DN thông qua hình thức đăng ký trực tuyến đạt 72%, cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu về chuyên môn đạt 84%, cán bộ tại bộ phận một cửa nhiệt tình, thân thiện đạt 77%...

Cán bộ Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh giải quyết thủ tục hành chính 
cho công dân.							                  ẢNH: TL
Cán bộ Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ảnh: TL

Quảng Ngãi có 3 chỉ số xếp hạng trong tốp 20 cả nước là: Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng. Trong đó, chỉ số Chi phí thời gian tăng 1,44 điểm, tăng 36 bậc so với năm 2022, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố, là điểm sáng PCI của tỉnh năm 2023. Chỉ số này cho thấy, công tác cải cách hành chính; năng lực thực thi, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,75 điểm, tăng 31 bậc so với năm 2022, thứ hạng 12/63 tỉnh, thành phố.

Điều này ghi nhận Quảng Ngãi có sự nỗ lực cải thiện rõ rệt về môi trường cạnh tranh bình đẳng. Một số chỉ tiêu của chỉ số Cạnh tranh bình đẳng có cải thiện tốt, điển hình như 85% DN đánh giá “Chính quyền tỉnh quan tâm hỗ trợ DN không phụ thuộc vào đóng góp của DN cho địa phương” (năm 2022 là 84%); 52% DN cho rằng “Tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các DN lớn so với DN nhỏ và vừa trong nước” (năm 2022 là 70%); 31% DN cho rằng “Thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai là đặc quyền dành cho các DN lớn” (năm 2022 là 75%); 22% DN cho rằng “Thủ tục hành chính nhanh chóng hơn là đặc quyền dành cho các DN lớn” (năm 2022 là 29%).

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn

Kết quả PCI năm 2023 cho thấy, bên cạnh một số kết quả tích cực đạt được, năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Cùng với các chủ trương, chính sách, năng lực cạnh tranh của tỉnh còn phụ thuộc vào tinh thần và thái độ phục vụ của người thực thi công vụ. Việc cải thiện và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Do đó, để thực hiện đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra về điểm số và thứ hạng PCI Quảng Ngãi năm 2024 theo Quyết định 838 của UBND tỉnh, cụ thể điểm PCI năm 2024 đạt từ 67 điểm trở lên, nằm trong tốp 30/63 tỉnh, thành phố, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.

Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu điểm số và thứ hạng PCI năm 2024 đạt hoặc vượt mục tiêu đã đề ra theo Quyết định 838 của UBND tỉnh. Cụ thể, điểm PCI năm 2024 đạt từ 67 điểm trở lên, nằm trong tốp 30/63 tỉnh, thành phố.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Trọng cho rằng, để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của DN, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện hiệu quả các kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch cải cách hành chính tỉnh năm 2024. Cải thiện hiệu quả chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ.

Các sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu thuộc lĩnh vực phụ trách. Tiếp tục duy trì tổ chức có chất lượng và hiệu quả các buổi đối thoại với DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư; lắng nghe, tiếp thu ý kiến, hiến kế từ cộng đồng DN để ngày càng phát triển hơn. Tiếp tục công khai, minh bạch các thông tin như đấu thầu, quy hoạch, đất đai, chính sách hỗ trợ... tạo cơ hội cho DN dễ dàng tiếp cận để phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

BẢO HÒA - QUANG BẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:38, 29/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.