Tiểu thương Quảng Ngãi: Thích ứng với xu thế mới

20:16, 07/03/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chợ truyền thống ngày càng ế khách. Vì thế, các tiểu thương ở Quảng Ngãi đã chủ động thay đổi hình thức kinh doanh để tồn tại, phát triển.
Theo Ban Quản lý chợ Quảng Ngãi, hiện nay có rất nhiều lô sạp trong chợ bị bỏ trống do việc buôn bán ế ẩm, tiểu thương không tiếp tục mở cửa kinh doanh nữa. Hầu hết các tiểu thương này đã chuyển sang hình thức kinh doanh mới thích ứng với xu thế phát triển của xã hội. Chị Nguyễn Thị Vy, trước đây kinh doanh quần áo may sẵn trong chợ Quảng Ngãi, nhưng từ hai năm qua chị đã đóng cửa sạp, thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) để kinh doanh. Còn quầy sạp trong chợ thì chị làm kho chứa hàng hóa khi cần. Mặc dù giá thuê mặt bằng cao hơn lô sạp trong chợ nhưng chị vẫn giữ nguyên giá tất cả các mặt hàng. Ban đầu khó khăn vì không có lãi, nhưng hiện tại nhờ khách hàng lâu năm ủng hộ, chị đã kinh doanh ổn định.
 
Cửa hàng tạp hóa như một chợ thu nhỏ tại xã Trà Phong (Trà Bồng).
Cửa hàng tạp hóa như một "chợ thu nhỏ" tại xã Trà Phong (Trà Bồng).

Ngành hàng mà các tiểu thương chợ Quảng Ngãi phải chịu áp lực lớn từ thị trường chính là ngành mỹ phẩm. Ngoài việc đối diện với hàng trôi nổi, giá rẻ thì hình thức kinh doanh online cũng làm cho việc buôn bán của các sạp trong chợ bị ế ẩm triền miên. Chị Phạm Thị Loan, tiểu thương kinh doanh ngành hàng mỹ phẩm tại chợ Quảng Ngãi cho biết, tôi phải đưa hàng lên các nền tảng xã hội như zalo, facebook để giới thiệu bán hàng. Ai mua hàng qua mạng thì tôi sẽ giao miễn phí đến tận nhà trong nội thị. Ai muốn mua trực tiếp tại quầy ở chợ thì tôi vẫn mở cửa phục vụ. Thay vì tìm kiếm khách hàng trực tiếp, tôi đã tìm kiếm qua không gian mạng và có thêm nhiều khách hàng mới qua hình thức kết nối này. Điều này đã giúp tôi vượt qua khó khăn, duy trì việc làm, thu nhập, lo cho con cái ăn học.

Việc kinh doanh độc quyền một mặt hàng, nhãn hàng như trước đây hiện tại không còn phù hợp. Khách hàng hiện nay muốn đến một địa điểm kinh doanh có thể mua được nhiều thứ, không phải di chuyển nhiều điểm, mất thời gian. Vì thế, các quầy sạp ở chợ và kể các các cửa hàng kinh doanh tự do bên ngoài đều thay đổi theo hướng đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh. Nhiều quầy sạp bán thịt nay bán kèm thêm rau, củ. Tại các huyện miền núi, nhất là ở trung tâm xã, các quầy sạp bán hàng tạp hóa hiện đã đầu tư kinh doanh theo hình thức “chợ thu nhỏ”, “siêu thị thu nhỏ” với hàng trăm mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân địa phương.

Tại trung tâm xã Trà Phong, nơi được xem như “trung tâm thương mại” của 6 xã miền Tây Trà Bồng, dọc đoạn đường chỉ khoảng 500m có tới 3 cửa hàng lớn. Tại đây có đầy đủ mặt hàng, từ rau củ quả đến thịt, cá, hàng thực phẩm đã chế biến đóng gói đến các vật dụng gia đình, dụng cụ sản xuất... Chị Hồ Thị Thôi, ở xã Sơn Trà, vượt đoạn đường hơn 10km xuống Trà Phong đi chợ. Chị mua mắm, dầu ăn, bột ngọt, rau xanh và mấy cái rựa để phát rẫy. “Ở gần nhà, họ chỉ bán mì tôm, kẹo bánh. Mình chịu khó đi xa về trung tâm xã, muốn mua thứ gì cũng có. Đi một lượt, mua một lần, rồi về”, chị Thôi nói.

Việc chủ động thay đổi hình thức kinh doanh, thích ứng với tình hình thị trường, nhu cầu người tiêu dùng đã giúp cho các tiểu thương duy trì, mở rộng hoạt động buôn bán. Nơi thích hợp thì đẩy mạnh bán hàng online, chỗ cần có chợ thì cần có một không gian mua bán tiện ích, hàng hóa chất lượng. 

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 20:16, 07/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.