Anh Đoàn Văn Đến, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. |
Dù đã nắm cơ bản kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp từ các trang trại, nhưng thời gian đầu thực hiện mô hình, anh Đến gặp nhiều khó khăn, khi chưa kiểm soát được dịch bệnh trên đàn bồ câu. Không nản lòng, anh Đến đã lấy thất bại làm bài học, để rút kinh nghiệm cho những lứa nuôi tiếp theo. Nhờ đó, đàn bồ câu sinh trưởng tốt. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh Đến đã mạnh dạn tăng đàn, mở rộng chuồng nuôi.
“Sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu khắp nơi, tôi nhận thấy những người thành công từ nông nghiệp đều nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như bài toán thị trường. Quan trọng là phải có ý chí, kiên trì, vượt qua thất bại. Vì vậy, tôi luôn động viên bản thân nỗ lực từng ngày, nhờ đó mới có thể gặt hái được quả ngọt như ngày hôm nay", anh Đến chia sẻ.
Theo anh Đến, để nuôi chim bồ câu Pháp đạt hiệu quả, con giống phải khỏe mạnh. Chuồng trại đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Thức ăn cho chim phải đáp ứng đủ dinh dưỡng. Trong quá trình nuôi, phải tiêm vắc xin phòng bệnh và bổ sung các loại vitamin, men vi sinh cho chim. Phải chăm sóc tốt để đảm bảo chim con sau 15 ngày tuổi có thể xuất bán thương phẩm ra thị trường.
Anh Đến đã đi khắp các nhà hàng, chợ, để quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho chim bồ câu thương phẩm. Nhờ đó, anh Đến có nguồn tiêu thụ dồi dào, ổn định. Đến nay, sau hơn 5 năm, anh Đến đã mở rộng nuôi 1.000 cặp bồ câu Pháp. Mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường khoảng 800 con bồ câu thương phẩm, sau khi trừ hết chi phí, anh Đến có thu nhập khoảng 15 triệu đồng.
Không những thế, anh Đến còn nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm nuôi chim bồ câu cho nhiều đoàn viên, thanh niên ở địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết đầu ra, giúp đoàn viên, thanh niên thực hiện thành công mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, nâng cao thu nhập.
Phó Bí thư Đoàn thị trấn Mộ Đức Trần Nguyên Như Hạnh nhận xét, anh Đoàn Văn Đến là một thanh niên năng động, luôn cần cù, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình. Ý chí vượt khó làm giàu của anh đã truyền động lực để nhiều đoàn viên, thanh niên ở địa phương học tập, mạnh dạn lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Khởi nghiệp với nghề móc len thủ công
Bằng đôi bàn tay khéo léo và niềm đam mê, chị Trần Thị Nương (30 tuổi), ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), đã sáng tạo ra những sản phẩm thủ công bắt mắt từ những sợi len và được nhiều khách hàng yêu thích.
Chị Trần Thị Nương (bên trái), ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), tạo việc làm cho nhiều phụ nữ có chung đam mê đan móc len. |
Sau những giờ làm việc kế toán ở công ty, chị Nương lại cần mẫn làm những sản phẩm thủ công để kịp giao hàng cho khách. Chị Nương cho biết, ngay từ những ngày còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách đan móc len. Đến thời sinh viên, tôi đã làm ra những chiếc bao tay, mũ, khăn quàng cổ... để kiếm tiền, trang trải học phí, sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Nghề móc len thủ công không chỉ giúp tôi có được nguồn thu nhập đáng kể, mà còn thỏa sức sáng tạo, được sống với niềm đam mê, thư giãn sau những bộn bề, áp lực của cuộc sống.
Không chỉ bó hẹp trong những chiếc áo, khăn quàng truyền thống, những sản phẩm đan móc do chị Nương làm ra ngày càng đa dạng và tinh tế. Từ những món đồ chơi xinh xắn như thú nhồi bông, búp bê, cho đến những sản phẩm thời trang, vật dụng trang trí... đều có thể tạo nên từ đan móc. Chị Nương không ngừng thử sức với các kỹ năng móc len nâng cao, tạo ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ, đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng.
Theo chị Nương, để sống được với nghề đan móc len, ngoài niềm đam mê còn phải có sự khéo léo, sáng tạo, biết cách phối màu... để tạo ra những sản phẩm bắt mắt, có hồn. Mỗi sản phẩm đều được đan móc một cách tỉ mỉ. Có sản phẩm chỉ làm trong vài giờ, nhưng cũng có sản phẩm chị Nương phải mất vài tuần mới có thể hoàn thành. Nhiều khách hàng vì yêu thích sản phẩm thủ công, nên sẵn sàng chờ đợi để sở hữu chúng.
“Sản phẩm len trên thị trường không hiếm, do đó, để khách hàng yêu thích, thì sản phẩm của mình phải có sự khác biệt, phải để khách hàng cảm nhận được cái họ mua không chỉ là một sản phẩm mà còn là tâm huyết của người tạo ra nó. Đây cũng là cách giúp tôi có được nguồn khách hàng luôn gắn bó với sản phẩm của mình”, chị Nương cho hay.
Tận dụng mạng xã hội, chị Nương đã giao lưu với nhiều hội nhóm yêu thích đan móc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Qua đó, chị đã học hỏi thêm nhiều kỹ thuật đan móc, cũng như tiếp cận với nhiều khách hàng. Số lượng đơn đặt hàng từ khách lẻ đến các cửa hàng ngày một nhiều. Vì vậy, chị Nương đã kết nối với nhiều chị em có chung sở thích cùng đan móc len, giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Thời gian tới, chị Nương tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm qua các kênh bán hàng trực tuyến, các phiên chợ triển lãm, để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm thủ công của mình đến với nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: MỸ DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: