Hiệu quả từ nuôi cá trong các hồ chứa nước

08:43, 27/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng diện tích mặt nước tại các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được tỉnh khuyến khích phát triển, nhằm tạo thu nhập, việc làm cho người dân, nhất là người dân khu vực miền núi.

Mở lối thoát nghèo

Hơn 5 năm kể từ ngày tham gia vào Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt hồ Núi Ngang (Tổ hợp tác), ở xã Ba Liên (Ba Tơ), Tổ trưởng Tổ hợp tác Phạm Văn Sương chia sẻ, từ một hộ nghèo, có đời sống rất khó khăn, nhưng khi tham gia Tổ hợp tác, tôi không chỉ thoát nghèo, mà còn có thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá đối với người dân miền núi.

Thả cá giống tại hồ chứa nước Liệt Sơn (TX.Đức Phổ), vào tháng 6/2023.
Thả cá giống tại hồ chứa nước Liệt Sơn (TX.Đức Phổ), vào tháng 6/2023.

Hồ chứa nước Núi Ngang là một trong các công trình thủy lợi lớn của tỉnh, với diện tích mặt hồ hơn 200ha. Trước năm 2016, việc quản lý, khai thác cá trong lòng hồ được người dân thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy đánh bắt, chứ chưa đi vào quy củ. Đến năm 2016, khi địa phương thành lập Tổ hợp tác, gồm 45 hộ dân người đồng bào Hrê ở 2 thôn Hương Chiên và Đá Chát (xã Ba Liên), việc chăm sóc, khai thác cá tại lòng hồ bắt đầu phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Hằng năm, để tạo nguồn lợi thủy sản cho hồ chứa nước, mỗi thành viên của Tổ hợp tác cùng đóng góp từ 1,5 - 2 triệu đồng để mua các loại cá giống như cá mè, chép, trắm cỏ... thả xuống lòng hồ vào dịp đầu xuân. Sau khi thả cá, mọi người lại cùng chung tay bảo vệ, quản lý hồ, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi đánh bắt cá trong lòng hồ bằng các hình thức hủy diệt. Đến tháng 8, các thành viên của Tổ hợp tác cùng nhau bước vào mùa thu hoạch cá. Trong đánh bắt, các thành viên tự quy ước với nhau chỉ sử dụng những tấm lưới có kích thước mắt lưới lớn, để khai thác cá có trọng lượng lớn, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mùa thu hoạch cá ở hồ Núi Ngang kéo dài từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau. Chỉ sau khoảng nửa năm đánh bắt cá, mỗi thành viên tham gia Tổ hợp tác đều có thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng.

Không chỉ phát triển mô hình nuôi cá ở lòng hồ Núi Ngang, 3 năm trở lại đây, Tổ hợp tác còn mở thêm dịch vụ câu cá giải trí tại đây để tăng thêm thu nhập. Với giá vé là 50 nghìn đồng/người, hồ chứa nước Núi Ngang thu hút nhiều người dân đến thưởng ngoạn, câu cá. Theo thống kê sơ bộ của Tổ hợp tác, từ tháng 1 - 7 hằng năm, Tổ hợp tác thu về từ 15 - 25 triệu đồng/tháng nhờ vào dịch vụ này.

Nhiều tiềm năng để phát triển

Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện. Theo thống kê, hằng năm, toàn tỉnh có khoảng 940ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó, có khoảng 800ha nuôi thủy sản ở hồ chứa nước, với sản lượng đạt khoảng 1.700 tấn/năm. Mô hình nuôi thủy sản nước ngọt trong lòng hồ đã mở ra hướng thoát nghèo, tạo công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

“Tiềm năng của nghề nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa nước của tỉnh rất lớn, với hơn 120 hồ chứa nước, phân bố trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh này, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh, giai đoạn 2022 - 2024. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu mới, với tổng thể tích 1.870m3 trên các hồ chứa thủy lợi và 1.600m3 trên các hồ chứa thủy điện; hỗ trợ người dân chi phí vật tư đầu vào gồm con giống, thức ăn cho 1 vụ nuôi... Qua đó, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động; phổ biến kiến thức về nuôi thủy sản nước ngọt đến 100% cá nhân, tổ chức tham gia nuôi thủy sản tại hồ chứa nước và 50% người dân trong vùng nuôi trồng”, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Thị Ngọc Hà cho biết.

Năm 2023, UBND tỉnh đã bố trí khoảng 3 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi cá nước ngọt trên sông và các hồ chứa. Đến nay, đã triển khai hỗ trợ làm lồng nuôi và con giống cho các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản ở các hồ Nước Trong (Sơn Hà), Liệt Sơn (TX.Đức Phổ). 

Bài, ảnh: LAM GIANG

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:43, 27/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.