(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh chết héo trên cây keo đang phát sinh gây hại gần 8.200ha rừng trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có hơn 5.500ha bị nhiễm nặng và đang có xu hướng lan rộng. Thực trạng này đặt ra vấn đề, cần xác định lại vị thế cây keo, gắn với phân cấp lập địa, quy hoạch vùng trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Toàn tỉnh có khoảng hơn 226 nghìn héc ta rừng trồng, chủ yếu là rừng keo nguyên liệu, phục vụ cho hơn 60 nhà máy, cơ sở chế biến dăm, gỗ. Sản lượng dăm, gỗ xuất khẩu mỗi năm bình quân khoảng 1,2 triệu tấn. Việc cây keo bị chết không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, mà còn gây thiếu hụt nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Bích, ở xã Ba Động (Ba Tơ) chia sẻ, thấy cây keo có hiện tượng lá vàng, thân khô, tôi cứ ngỡ do nắng nóng. Nhưng sau vài đợt mưa dông, tình trạng trên không những không giảm, mà vỏ trong của keo bị thối đen khiến cây chết dần chết mòn. Biết keo đã nhiễm nấm gây bệnh chết héo, tôi tổ chức thu hoạch toàn bộ rẫy keo và bán cho thương lái. “Gần 50% diện tích keo bị nhiễm bệnh, nên nguy cơ lây lan ra phần diện tích còn lại rất lớn. Vậy nên, tôi tranh thủ thu hoạch, cây bệnh thì chặt bỏ, cây “lành” thì tận thu bán được đồng nào hay đồng đó”, ông Bích bảo.
Một cánh rừng keo ở xã Trà Bùi (Trà Bồng) bị nhiễm bệnh chết héo, nhưng chủ rừng e dè trong việc tái trồng mới vì lo bệnh tái bùng phát. |
Gia đình ông Đinh Văn Hạ, ở xã Sơn Trung (Sơn Hà) cũng lâm vào tình cảnh “bỏ thì tiếc, vương thì lo” đối với rẫy keo gần 3ha. Dù đã phát dọn thực bì, chặt bỏ và tiêu hủy keo chết, cũng như bón vôi vào gốc những cây bệnh, nhưng hiện tượng keo chết héo không có dấu hiệu giảm, mà còn gia tăng. Ông Hạ cho biết, cây khô, lá úa, vỏ thối đen khiến cây còi cọc, rồi khô dần hoặc chết dần chết mòn. Rẫy keo ông trồng hơn 10 tháng, không nỡ chặt bỏ, nhưng dù đã nỗ lực “cứu” nhưng bệnh tiếp tục lây lan nên đành phải bấm bụng chặt bỏ, để khô bán củi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bệnh chết héo trên cây keo phát sinh chủ yếu ở giai đoạn cây từ 1 - 3 năm tuổi trên diện tích rừng trồng chu kỳ 2 và 3, tỷ lệ cây keo bị chết có nơi lên đến 30-60% diện tích rừng trồng của người dân, tập trung ở các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà và Trà Bồng. Điểm chung của các rẫy keo nhiễm bệnh là mật độ cây rất dày, bình quân từ 3.000 - 4.000 cây/ha (cao từ 1,5 - 3 lần so với khuyến cáo), thậm chí có nơi trồng 5.000 - 8.000 cây/ha.
Bà Đinh Thị Bình, ở xã Sơn Linh (Sơn Hà) bảo, tôi thường trồng 8.000 - 10 nghìn cây trên rẫy keo gần 1,5ha, vì dày cây thì mới thu được nhiều gỗ. Trước nay trồng vậy không sao, nhưng từ năm 2022, trên rẫy có lác đác vài cây keo chết, tôi đã chặt bỏ. Vừa rồi cây chết nhiều, lan ra cả rẫy. Giờ tôi cũng chưa biết tính thế nào, giữ lại thì lo, mà chặt bỏ xong cũng không có tiền để đầu tư trồng mới. Vì keo non, nhiễm bệnh là gỗ xốp, nên hoặc là chặt bỏ, hoặc bán củi chứ không thể bán gỗ nguyên liệu được, nên xem như vụ rừng này mất trắng.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thế Vĩnh, ngoài việc nhiễm nấm Ceratocystis sp và nấm Fusarium sp thì bệnh chết héo trên cây keo xuất phát từ việc người dân trồng keo với mật độ cây quá dày. Trong khi mật độ phù hợp là từ 1.400 - 1.600 cây/ha, thì thực tế, người dân trồng từ 3.000 - 5.000 cây/ha, thậm chí có nơi trồng 8.000 - 10 nghìn cây/ha, nhưng không chăm sóc nuôi dưỡng. Vì vậy, để hạn chế bệnh bùng phát và lây lan, Chi cục khuyến cáo người dân tích cực vệ sinh vườn keo, tỉa cành, phát dọn thực bì để tạo độ thông thoáng. Với những cây keo bị bệnh chết héo, không có khả năng phục hồi thì phải chặt, thu gom ra khỏi rẫy để tiêu hủy; đồng thời, rắc vôi bột vào quanh gốc cây bị bệnh đã tiêu hủy và tuyệt đối không được tận thu, vận chuyển buôn bán.
“Cần tăng luân kỳ kinh doanh rừng từ 4 - 5 năm lên 7 - 12 năm gắn với quản lý rừng có chứng chỉ FSC, PEFC để vừa cải thiện môi trường, vừa tạo gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị gỗ thu được từ 60 - 80 triệu đồng/ha lên 220 - 250 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc chuyển đổi này sẽ giảm chi phí đầu tư so với trồng rừng gỗ nhỏ vì giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ thay vì trồng mới”.
Giám đốc Sở NN&PTNT HỒ TRỌNG PHƯƠNG |
Nhiều năm qua, việc trồng keo đã mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi. Tuy nhiên, việc phát triển cây keo một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, hoặc quy hoạch vùng trồng các loài keo ở một số địa phương không bám sát yêu cầu của từng đối tượng. Vậy nên, mới xảy ra tình trạng “đất trống là trồng keo”, bất chấp đó là đất thịt (có tầng đất mặt dày) hay đồi núi cao, nơi thường xuyên xảy ra lốc xoáy, gió bão. Ngoài ra, tình trạng thoái hóa giống do thời gian sử dụng quá lâu, hoặc người dân dùng các loài giống không được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm bệnh, suy giảm giá trị rừng trồng.
Chất lượng cây giống tại nhiều vườn ươm nhỏ lẻ chưa được kiểm soát, cộng với cây giâm hom có dấu hiệu thoái hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh chết héo trên cây keo. |
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng lý giải, giống là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng. Những năm qua, việc cải thiện chất lượng nguồn giống đã góp phần tăng năng suất trung bình của rừng trồng keo từ 10m3/ha/năm lên 17 - 19m3/ha/năm, nhất là loại keo giâm hom. Tuy nhiên, giá bán cây keo nuôi cấy mô cao nên phần lớn các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng keo hom, dù loài này dễ nhiễm bệnh, khả năng chống chịu với gió bão kém. Ngoài ra, phần lớn người tham gia trồng rừng bằng cây keo chưa chú trọng chăm sóc nuôi dưỡng, mà chỉ quan tâm đến chu kỳ 4 - 5 năm, thậm chí 3 năm để khai thác bán nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm. Điều này dẫn đến giá trị của rừng trồng rất thấp, bình quân chỉ đạt từ 60 - 80 triệu đồng/ha, dẫn đến thu nhập cũng chỉ từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.
Khắc phục tình trạng này, ngành chuyên môn tiến hành phân cấp lập địa để xác định những khu vực phù hợp trồng keo, hoặc chuyển hóa rừng keo sang chu kỳ dài. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân “nói không” với cây keo tại những vùng có lập địa đất tốt, tầng đất dày và chủ yếu là đất thịt. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tích cực triển khai xây dựng chuỗi liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với gỗ lớn để vừa ổn định nguồn nguyên liệu, vừa nâng cao giá trị gia tăng.
Bệnh chết héo trên cây keo bùng phát và lây lan ra diện rộng ở các địa phương trong toàn tỉnh. |
Tuy nhiên, việc bố trí lại các đối tượng cây trồng trên các vùng lập địa tương ứng, cũng như chuyển đổi hoặc kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng từ 7 năm trở lên sẽ tác động đến thu nhập của người dân. Vì vậy, quá trình xây dựng chuỗi liên kết, ngành chuyên môn và doanh nghiệp cần tính đến phương án đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân, bằng việc phát triển sinh kế bền vững dưới tán rừng. Cùng với đó là, phối hợp tuyên truyền, vận động các chủ rừng riêng lẻ liên kết thành các nhóm, tổ hợp tác hình thành vùng nguyên liệu lớn để vừa thuận lợi trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch; vừa nâng cao hiệu quả quản lý, tránh tình trạng các bên “quay lưng” mỗi khi xảy ra rủi ro, thiệt hại.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: