Giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản

06:19, 31/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện tốt việc giám sát chất lượng thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản sẽ góp phần phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) khi đưa sản phẩm ra thị trường. 

Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh vừa tiến hành lấy 37 mẫu thực phẩm nông, thủy sản tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, để giám sát các chỉ tiêu về vi sinh vật, kim loại nặng, dư lượng hóa chất độc hại, phụ gia thực phẩm và thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Kết quả, có 5 mẫu không đảm bảo các chỉ tiêu ATTP, gồm có 1 mẫu cà phê hạt và 2 mẫu cà phê bột vượt mức tối đa cho phép chỉ tiêu thủy ngân trong thực phẩm; 1 mẫu mực tẩm vượt mức tối đa cho phép chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí và Coliforms; 1 mẫu chả cá đỏ vượt mức tối đa cho phép chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí.

Việc lấy mẫu giám sát thường tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống.
Việc lấy mẫu giám sát thường tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống.

Trước đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh phát hiện 4/172 mẫu thực phẩm nông, thủy sản không đáp ứng các tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn và chỉ tiêu phân tích về ATTP. Những vi phạm chủ yếu tập trung vào việc sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm; sử dụng chất cấm, không rõ nguồn gốc; cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP… Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng thực phẩm, bởi số lượng các mặt hàng được tiêu thụ hằng ngày rất lớn, trong khi việc lấy mẫu giám sát chỉ tập trung vào các nhóm sản phẩm, hoặc những công đoạn có nguy cơ cao về mất ATTP. 

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Nguyễn Đức Bình cho biết, dù có nhiều chuyển biến nhưng vấn đề ATTP vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và mang tính thời vụ; việc sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm không đúng danh mục cho phép, hoặc liều lượng vượt quá mức cho phép vẫn còn… Ngoài ra, các cơ sở sản xuất chưa tuân thủ việc ghi chép và lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác lấy mẫu hậu kiểm và truy tìm nguyên nhân khi mẫu không đảm bảo ATTP.  

Một hạn chế nữa là, đối với những mẫu thực phẩm không đạt các chỉ tiêu ATTP qua xét nghiệm nhanh, lực lượng chức năng không thể thực hiện các biện pháp xử lý, mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Lý do là Thông tư số 11/TT-BYT của Bộ Y tế quy định: Không sử dụng kết quả từ kiểm nghiệm nhanh để xử lý vi phạm ATTP. Với những mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhất là các sản phẩm tươi sống, kết quả phân tích định lượng mẫu tại phòng thí nghiệm mới là cơ sở để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chi phí phân tích định lượng cao, thời gian kéo dài từ 2 - 4 ngày nên sau khi có kết quả, các sản phẩm đều đã đến tay người tiêu dùng. 

Để kiểm soát chặt vấn đề ATTP, ông Nguyễn Đức Bình cho rằng, cùng với sự nỗ lực của ngành chuyên môn trong công tác lấy mẫu giám sát, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP đến các hộ sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa phương, qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp vi phạm về ATTP.

Bài, ảnh: THANH PHONG
 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.