(Baoquangngai.vn)- Hơn 2 tháng qua, dịch cúm gia cầm xuất hiện trở lại khiến hàng nghìn con gà, vịt bị tiêu hủy. Nông dân lại khốn đốn vì cúm gia cầm.
[links()]
LẠI TRẮNG TAY VÌ CÚM GIA CẦM
Tóc bù xù, ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, vỏ chai thuốc, bình xịt tiêu độc khử trùng vẫn còn ngỗn ngang trước sân, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu, ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) nhìn xa xăm về phía chuồng vịt trống hoác.
Ba Thu giọng buồn rười rượi: “Gia đình tôi mất trắng 140 triệu đồng nhưng vẫn còn nợ đại lý 100 triệu đồng tiền cám. Bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn hết vào bầy vịt giờ tiêu hủy sạch. Lần thứ hai gia đình lâm vào tình cảnh này”.
Bầy vịt của gia đình bà Thu có 1.300 con vịt. Vịt trẻ trứng đã nuôi đến 115 ngày tuổi và vịt con siêu nạc mới nuôi 15 ngày tuổi. Ngày 24/10, bà phát hiện một vài con vịt yếu ăn, ủ rũ.
Vợ chồng bà tự mua thuốc kháng sinh và kháng thể để điều trị, nhưng tình hình không thuyên giảm. Vịt bị tiêu chảy, phân có màu trắng xanh, sốt, liệt chân, sả cánh rồi chết. Một ngày sau, vịt chết đồng loạt nên gia đình báo với nhân viên thú y.
Bà Nguyễn Thị Thu, ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) bên chuồng trại trống hoác vì đàn vịt đã tiêu hủy. |
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã xuống lấy mẫu gửi Cơ quan Thú y vùng IV xét nghiệm. Bầy vịt của gia đình bà Thu nhiễm cúm A/H5N1. UBND xã Nghĩa Kỳ và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ bầy vịt của gia đình bà Thu.
“Gia đình tôi có thâm niên nuôi vịt. Nuôi vịt giúp tôi có tiền lo cho con ăn học. Đã một lần lao đao vì bầy vịt nhiễm cúm nên lúc nào cũng nơm nớp lo dịch cúm xuất hiện trở lại. Mình cho vịt ăn ở cánh đồng rất xa, biệt lập với khu dân cư vẫn tái nhiễm”, ông Thắng (chồng bà Thu) buồn bã nói.
Gia đình ông Lê Ngọc Thành, ở thôn Châu Me, xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) cũng trắng tay vì đàn gà 3.300 con vừa bị tiêu hủy vì nhiễm cúm A/H5N1. Đàn gà của gia đình ông Thành đang khỏe mạnh bỗng nhiên bỏ ăn, xù lông, bị tiêu chảy, mặt thâm tím, xuất huyết ở chân và chết đồng loạt.
Qua xét nghiệm của Cơ quan Thú y Vùng IV, đàn gà ông Thành bị nhiễm cúm A/H5N1. Đàn gà mới tiêm phòng nên chưa đủ thời gian tạo miễn dịch với bệnh.
NGUY CƠ LÂY LAN RẤT CAO
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa Tôn Long Cần cho biết, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, trung tâm phối hợp với xã Nghĩa Kỳ khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để khoanh vùng, dập dịch như tiêu hủy toàn bộ số vịt chết và đang mắc bệnh, tiêu độc, khử trùng môi trường vùng dịch.
Nguy cơ lây lan dịch cúm trên đàn gia cầm trong thời gian đến là rất cao. |
Sở NN&PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng, các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đặc biệt là rà soát, thống kê đàn gia cầm trên địa bàn, tổ chức tiêm phòng bao vây, khử trùng tiêu độc và tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. |
Trung tâm cũng hướng dẫn người chăn nuôi phun thuốc, rải vôi tiêu độc khử trùng môi trường, cách ly các đàn gia cầm khác với đàn gia cầm mắc bệnh, tiêm phòng bao vây ổ dịch, thực hiện các biện pháp an toàn trong sinh hoạt để hạn chế nguy cơ bệnh lây sang người.
Thời tiết đang diễn biến thất thường, nắng mưa xen kẽ là điều kiện lý tưởng cho vi rút cúm phát triển, làm cho sức đề kháng của vật nuôi giảm nên khả năng phát bệnh là rất cao.
Nhiều người chăn nuôi chủ quan không tiêm phòng nên vật nuôi không có kháng thể đặc hiệu kháng bệnh cúm gia cầm. Cúm gia cầm có nhiều biến chủng, nguy cơ lây lan trong thời gian đến là rất cao.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, người chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đặc biệt là tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường.
Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, Sở NN&PTNT đã phân bổ 1.000 lít Benkocid, 580 kg hóa chất Sodium để các địa phương tiêu độc khử trùng môi trường. Quảng Ngãi có khoảng 8.000 lít hóa chất và đang kiến nghị trung ương hỗ trợ thêm để triển khai tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong toàn tỉnh.
Bài, ảnh:
ÁI KIỀU