(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều bạn trẻ ở thôn Hà Bôi và thôn Hà Xuyên, xã Long Hiệp (Minh Long) đã khởi nghiệp với mô hình hợp tác xã (HTX) nông - lâm nghiệp. Hợp tác xã ra đời giúp sản phẩm chè xanh truyền thống ở địa phương có đầu ra ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu chè xanh Minh Long.
[links()]
Đầu năm 2021, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến, ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp chính thức đi vào hoạt động. Đây là HTX của các hộ gia đình người Hrê, với 17 thành viên; trong đó, nòng cốt là những người trẻ có tuổi đời từ 25 - 33 tuổi. “Cùng là chè xanh trồng tại Long Hiệp, nhưng giá bán tại mỗi thôn lại khác nhau, có khi chênh lệch từ 1.000 - 2.000 đồng/bó. Nguyên nhân là do việc tiêu thụ chè của chúng tôi thực hiện nhỏ lẻ tại hộ gia đình, rồi bán qua thương lái, nên không chủ động được giá cả. Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi - những người trẻ trong thôn, mày mò tìm hiểu cách thức thành lập, vận hành HTX, để chủ động được đầu ra lẫn giá chè xanh cho các thành viên HTX và người dân địa phương”, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến Đinh Văn Khinh cho biết.
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến kiểm tra chất lượng chè tại rẫy chè của anh Đinh Văn Gũa, ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp (Minh Long) trước khi thu mua. Ảnh: H.T |
“Trước đây, khi bán nhỏ lẻ tại nhà cho thương lái, tôi chỉ được trả khoảng 5.000 đồng mỗi bó. Còn từ khi tiêu thụ thông qua HTX, giá mỗi bó chè xanh luôn ổn định ở mức 6.000 - 7.000 đồng. Không chỉ bán ra với giá cao hơn hẳn so với trước, sản lượng chè tiêu thụ hằng tháng thông qua HTX cũng tăng cao. Thấy được lợi ích từ HTX mang lại, tôi tham gia vào HTX, mở rộng thêm diện tích trồng chè xanh”, ông Đinh Gôm (72 tuổi), ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp, chia sẻ.
Hiện tại, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở sơ chế chè xanh tập trung để từng bước nâng tầm sản phẩm. Cùng với đó, các thành viên HTX đang phát triển thêm lĩnh vực chăn nuôi heo bản địa, nhằm đa dạng sản phẩm của HTX, từng bước mở rộng thị trường. “Tuy đã đạt được những thành công ban đầu trong gắn kết, tiêu thụ sản vật địa phương, nhưng thành viên HTX đều xác định, để HTX phát triển bền vững, chúng tôi cần kiên trì, nỗ lực nhiều hơn nữa. Chúng tôi rất cần được hỗ trợ, tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành HTX, tư vấn, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì cho các nông - lâm sản làm ra...”, anh Đinh Văn Khinh bày tỏ.
X.HIẾU - Ý THU