An toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản: Cần tăng cường công tác quản lý

14:04, 23/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm nông, lâm và thủy sản. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người sử dụng, cũng như nâng cao nhận thức về ATTP cho các chủ cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh.
 
Giám sát có trọng tâm
 
Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn điều chỉnh công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm ATTP các sản phẩm nông, lâm và thủy sản theo hướng “linh hoạt, trọng điểm”. Thay vì thực hiện đại trà, dàn trải và kéo dài trong năm, lực lượng chức năng rút ngắn thời gian và thủ tục kiểm soát, chỉ tập trung kiểm tra và giám sát đối với các sản phẩm có nguy cơ mất ATTP cao như rau, thịt, thủy sản, vào thời điểm tiêu thụ mạnh như lễ, Tết. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về chất lượng ATTP tại các cơ sở SXKD, buôn bán các sản phẩm nông, lâm và thủy sản tươi sống, chợ đầu mối nông sản thực phẩm... Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
 
Sở NN&PTNT kiểm tra và giám sát quy trình sản xuất rau tại xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).
Sở NN&PTNT kiểm tra và giám sát quy trình sản xuất rau tại xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).
Năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), đã kiểm tra và phát hiện 15/178 mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm sản chủ lực của địa phương không đạt chất lượng; xử lý 22/167 cơ sở SXKD thực phẩm nông, lâm và thủy sản vi phạm các quy định về ATTP, với số tiền trên 125 triệu đồng.
 
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng hướng dẫn và hỗ trợ hoàn thiện thủ tục quảng bá 37 sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý 13 sản phẩm và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và biện pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm VietGAP, GMP, HACCP, ISO... đối với 47 cơ sở; xác nhận 4 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Quyết định 3075/2016 của Bộ NN&PTNT đối với tỏi và gạo. Qua đó, từng bước hình thành chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với phát triển vùng sản xuất hàng hóa, để quản lý “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo các tiêu chuẩn ATTP.
 
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Nguyễn Đức Bình cho biết, cùng với việc đổi mới hoạt động, chuyển từ thanh, kiểm tra theo kế hoạch sang đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao như giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản tươi sống... đơn vị cũng tăng cường công tác hỗ trợ và giải quyết hồ sơ, thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP nông, lâm và thủy sản. Điều này không chỉ tạo sự thay đổi về nhận thức ATTP của người dân, cơ sở SXKD sản phẩm nông, lâm và thủy sản, mà còn nâng cao hiệu quả, góp phần cải thiện và duy trì tốp 5 địa phương trong cả nước thực hiện tốt các tiêu chí quản lý ATTP nông, lâm và thủy sản.
 
Vẫn còn nhiều tồn tại 
 
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác quản lý ATTP nông, lâm và thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại. Trong khi sản phẩm nông sản khá đa dạng, phong phú về chủng loại, ngành hàng và sản xuất theo mùa vụ, thường xuyên biến động, nhưng hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng ATTP nông nghiệp cấp cơ sở vẫn còn “trống”. Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) Nguyễn Đình Hải cho rằng, địa phương không có cán bộ chuyên trách lĩnh vực ATTP nông, lâm và thủy sản, nên công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, thiếu hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm. Hơn nữa, chính quyền cơ sở cũng chỉ có thể kiểm tra và lập biên bản nhắc nhở đối với cơ sở vi phạm,  chế tài xử lý còn nhẹ, dẫn đến các cơ sở tái phạm.
 
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng chưa nắm bắt kịp thời và đầy đủ thông tin về đầu mối cung ứng sản phẩm, cũng như quy trình SXKD sản phẩm nông, lâm và thủy sản. Vì vậy, việc triển khai và giám sát thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP nông, lâm và thủy sản tại các cơ sở SXKD còn lúng túng, thiếu sự thống nhất. Ông Nguyễn Đức Bình cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cùng với việc tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế quản lý, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu, gắn với kiểm soát chặt chất lượng và ATTP nông, lâm và thủy sản. Qua đó, kịp thời phát hiện và kiên quyết loại bỏ những chuỗi cung ứng vi phạm quy định về ATTP.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.