Dồn điền đổi thửa: Nhìn từ Phổ An

14:38, 10/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giai đoạn 2015 - 2020, xã Phổ An được TX.Đức Phổ giao kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) 200ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, địa phương này đã DĐĐT xong hơn 380ha, vượt chỉ tiêu đề ra cả về thời gian và diện tích. Có được thành công này là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở Phổ An.
[links()]
Những cách làm hay
 
Phổ An là một xã nằm dọc theo bờ biển, đất đai chủ yếu phần lớn là đất cát. Hầu hết người dân trong xã làm nông nghiệp theo kiểu cũ, năng suất, chất lượng và giá trị nông sản còn thấp. Chính vì vậy, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xã Phổ An coi trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa giá trị cao với diện tích và quy mô lớn. Muốn làm được việc này, xã phải thực hiện khâu then chốt là DĐĐT, tiến tới tích tụ ruộng đất.
 
UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo DĐĐT với sự tham gia của lãnh đạo xã, đại diện các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể của xã và các thôn, xóm làm thành viên. Đồng thời, tiến hành khảo sát, thống kê lại toàn bộ hiện trạng sử dụng đất, số hộ, số khẩu và các biến động của các hộ trong xóm; số diện tích thu hồi và đền bù, diện tích đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng... để trừ vào diện tích giao cho các hộ dân ở địa phương.
 
Khó khăn nhất trong thực hiện DĐĐT là thay đổi được nhận thức của người nông dân; làm thế nào để tất cả đều đồng lòng và không xảy ra sự so bì khi chia lại ruộng. Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DĐĐT, Ban Chỉ đạo DĐĐT của xã đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra”.
 
Để việc DĐĐT không ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ, mùa vụ của nông dân, ngay sau kết thúc vụ hè thu, UBND xã Phổ An đã tập trung toàn bộ máy móc, nhân lực thực hiện dứt điểm ở từng xứ đồng. Chính cách làm linh hoạt này của chính quyền địa phương được nông dân đồng tình hưởng ứng, tiếp thêm động lực, sự lan tỏa trong phong trào DĐĐT ở Phổ An.
 
Bài học kinh nghiệm
 
Từ chỗ đồng ruộng manh mún, chỗ cao, chỗ thấp... đến nay, sau 5 năm thực hiện DĐĐT, xã Phổ An DĐĐT được hơn 380ha thành những cánh đồng liên vùng, liên thửa. Từ chỗ mỗi hộ có nhiều thửa ruộng nằm rải rác, giờ chỉ còn canh tác trên một thửa. Nhờ đó, giá cả máy làm đất, máy thu hoạch giảm gần 200 triệu đồng mỗi năm. Thời gian gieo sạ được rút ngắn, giao thông thuận lợi; mương tưới tiêu thông thoáng, tạo điều kiện cho nhân dân đầu tư thâm canh, từ đó năng suất bình quân từ 58 tạ/ha được nâng lên 62 tạ/ha.
 
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phổ An Nguyễn Tấn Mỹ cho biết: Việc DĐĐT gắn với xây dựng nông thôn mới, nếu cán bộ xã không có quyết tâm cao, thiếu năng lực thực tế sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trong quá trình quy hoạch phải thường xuyên lấy ý kiến nhân dân và tham vấn ý kiến các lão nông. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện trên đồng ruộng, đảm bảo việc chia lại ruộng phải khách quan, công bằng, không vụ lợi, được nhân dân đồng tình.
 
Nói đến hiệu quả từ việc DĐĐT, ông Lê Văn Kiếm, ở thôn Hội An 1, phấn khởi chia sẻ: “Nếu việc chỉnh trang đồng ruộng, hình thành những cánh đồng liên vùng, liên thửa như thế này được thực hiện từ chục năm trước thì đỡ biết mấy. Bây giờ có đường nội đồng hết, chúng tôi chỉ cần đưa xe đến tận ruộng chở lúa về, không phải còng lưng vác từng bao lúa lên đường lớn như trước”.
 
Trong khi nhiều địa phương thực hiện DĐĐT gặp nhiều khó khăn, thì xã Phổ An đã hoàn thành xong công tác DĐĐT vào cuối năm 2019. Đặc biệt, hiện nay xã Phổ An không còn diện tích sản xuất bị bỏ hoang; nhất là từ khi chuyển đổi 200ha đất thiếu nước sang trồng cây đậu phụng hiệu quả, cao gấp 5 lần so với cây trồng khác. Người dân thấy được hiệu quả kinh tế, nên phấn khởi sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.