Đến nay, cô giáo Trần Thị Diễm Kiều (32 tuổi) đã gắn bó với điểm trường Trà Ôi, Trường Tiểu học Trà Xinh, xã Trà Xinh (Trà Bồng) hơn 10 năm. Nhớ lại những khó khăn vất vả của những ngày đầu công tác tại trường, cô Kiều chia sẻ, trước đây, để đến điểm trường, tôi phải đi trên con đường đất dài 12km. Mùa mưa, đường sạt lở, bùn ngập đến đầu gối khiến việc đi lại rất vất vả. Có những hôm, tôi phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến được nơi dạy.
Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất tại điểm trường Trà Ôi cũng hết sức thiếu thốn. Khu vực bán trú cho giáo viên lúc trước chỉ là nhà tạm bợ dựng cạnh 3 phòng học, ẩm thấp và dột nát. Nhưng vượt qua tất cả, cô Kiều vẫn luôn bền bỉ công tác, chăm lo cho học sinh. Đến năm 2018, khu vực bán trú cho giáo viên được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng trên nền đất cũ thành một phòng ở đảm bảo an toàn hơn trước. Ngoài ra, đường đến điểm trường cũng đang được bê tông hóa, nhưng vẫn còn một đoạn đường đất 4km chưa hoàn thành.
Trong những ngày mưa, đường lầy lội không thể đi xe máy, cô Trần Thị Diễm Kiều phải đi bộ đến điểm trường Trà Ôi, xã Trà Xinh (Trà Bồng). |
Nhận thấy nhiều học sinh tại điểm trường Trà Ôi gặp khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt, cô Kiều đã chủ động đến trường trước ngày khai giảng một tháng để tổ chức các lớp dạy tăng cường tiếng Việt cho các em. “Mỗi khi nhìn thấy ánh mắt hồn nhiên của các em học sinh, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục hành trình. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để các em có cơ hội học tập tốt nhất”, cô Kiều trải lòng.
Thầy Huỳnh Chí Hào (30 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Trà Xinh, cũng đã gắn bó với nơi đây suốt 3 năm qua. “Nhìn các em học sinh dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà cách xa trường học, nhưng vẫn đến trường mỗi ngày, tôi lại càng có động lực để tiếp tục công việc của mình. Những khó khăn của mình có là gì so với sự nỗ lực của các em học sinh nơi đây. Nếu các em có thể kiên trì đến lớp, thì tôi cũng có thể kiên trì với công việc đứng trên bục giảng của mình”, thầy Hào nói.
Sinh ra và lớn lên ở miền biển, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Mai Văn Tồn (24 tuổi), ở thôn Tây An Hải (Lý Sơn) đã quyết định “vượt biển” mang theo tri thức và nhiệt huyết của tuổi trẻ đến với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Sơn Trà, xã Sơn Trà (Trà Bồng). Thầy Tồn chia sẻ, gia đình tôi có truyền thống theo nghề giáo. Anh trai tôi từng công tác tại huyện Trà Bồng hơn 6 năm. Chứng kiến anh trai vất vả, nhưng rất hạnh phúc khi thấy học trò trưởng thành, tôi không ngần ngại chọn Trà Bồng là nơi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình. “Ở miền núi, dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng học sinh luôn chăm chỉ, kiên trì, nỗ lực vươn lên. Hình ảnh đó đã trở thành động lực để tôi cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người” nơi đây”, thầy Tồn bày tỏ.
Mặc dù công việc giảng dạy ở các xã miền núi luôn đầy thử thách, nhưng những giáo viên trẻ như cô Kiều, thầy Hào, thầy Tồn vẫn không ngừng cống hiến và gắn bó với nghề. Họ là những người thắp lên ngọn lửa tri thức ở vùng cao, giúp mở ra những cơ hội mới cho thế hệ trẻ nơi đây, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của giáo dục huyện Trà Bồng.
Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đỗ Thị Cẩm Nhung, từ khi có nhiều giáo viên trẻ về địa phương công tác, chất lượng giáo dục của huyện đã có những thay đổi đáng kể. Tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn huyện giảm, huy động học sinh ra lớp cấp tiểu học đạt 99%. Các thầy, cô giáo trẻ đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, góp phần thay đổi, làm mới hệ thống giáo dục địa phương. Bên cạnh công việc chuyên môn, các thầy cô còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa - văn nghệ, TD-TT; phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện thực hiện các hoạt động xã hội.
Bài, ảnh: THIỆN THUẦN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: