(Báo Quảng Ngãi)- Tôi luôn nhớ về thầy giáo dạy tiểu học của tôi với những hình ảnh thân thương. Những bữa cơm với thầy đã cách xa mấy chục năm, nhưng tận trong đáy lòng của tôi, đứa học trò nghèo năm ấy luôn dành cho thầy sự kính trọng và biết ơn.
Buổi sáng, trời đổ sương muối trắng xóa, mặt trời trốn đi đâu chẳng thấy một bóng nắng. Vậy là, đã hơn hai tuần lễ dài đằng đẵng mùa đông lạnh giá ghé thăm. Đàn học trò nhỏ “tay xách nách mang”, một tay là sách vở, tay còn lại là “cây nhà lá vườn”. Đứa mang măng rừng, đứa cầm dưa chuột, đứa lại ôm nhúm cải còn xanh mơn mởn. Tất cả đều được tập hợp ở một góc lớp để cuối buổi “rồng rắn” tới nhà thầy nấu ăn. Tôi luôn nhớ về thầy giáo dạy tiểu học của tôi với những hình ảnh thân thương như vậy.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ, heo hút quanh năm chỉ thấy mây trời, đồi núi và những con suối róc rách cuộn chảy. Nhà cách trường chừng khoảng chục cây số nhưng đường đến trường lúc nào cũng thấy xa ngái vì nhiều đèo dốc cheo leo. Buổi trưa, đứa nào gần trường thì về ăn cơm với bố mẹ, còn lại nhà xa thì ở tại trường ăn cơm nắm được mẹ chuẩn bị từ sáng sớm. Bữa cơm của học trò vùng cao ngày ấy thiếu thốn và không đủ chất. Trong chiếc cà mèn đựng cơm chỉ có chút muối vừng, ít măng, rau dại, thi thoảng mới có chút cá suối phơi khô kho mặn. Ngày đó chưa có trường nội trú như bây giờ, thế nên việc đến trường vất vả hơn.
Bức tranh "Người thầy" của họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ. |
Hết buổi học, thầy thương đám học trò nhỏ lủi thủi ăn cơm nên rủ về nhà ăn cùng cho vui. Tôi nhớ lúc thầy “đề nghị” chúng tôi về góp cơm ăn chung với thầy, đứa nào đứa nấy đều xấu hổ, không dám tới. Chúng tôi nhìn vào cái hộp đựng thức ăn của mình ái ngại, rồi lại lén nhìn thầy, nửa vừa muốn đến, nửa lại không. Thầy phải động viên mãi, đám học trò nhỏ mới “dũng cảm” tới nhà thầy ăn cùng. Dần dần thành thói quen, hết buổi chẳng ai bảo ai, cứ rồng rắn tới nhà thầy. Sau này quen rồi thì mang gạo, bắp tới nhà thầy luôn mà không mang cơm sẵn nữa.
Đứa thổi cơm, đứa nhặt rau, đứa phụ giúp thầy quét sân nhà. Chúng tôi còn phụ thầy trồng rau. Vì là quen làm việc nhà rồi nên đứa nào cũng giống như một người nông dân thực thụ. Cũng chính từ mảnh rau trước nhà đó đã góp vào những bữa cơm rất nhiều món ăn ngon.
Nơi thầy ở là một căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, vỏn vẹn hơn chục mét vuông. Thầy tuy ở dưới xuôi nhưng là sinh viên mới tốt nghiệp lên vùng cao dạy học, lương dạy học èo uột vừa đủ chi tiêu nên cũng không khá giả gì. Nhưng thầy thương chúng tôi như những đứa con, đứa em trong nhà, nên bữa cơm với thầy đầy ắp những tiếng cười, đầm ấm thân thương.
Những bữa cơm với thầy chúng tôi học được cách sống kính trên nhường dưới, luôn nói lời hay lẽ phải, sống thế nào cho có ích, và phải biết cố gắng học hành thật tốt. Chính nhờ những bữa cơm với thầy, những năm tháng được thầy dìu dắt, dạy dỗ nên đám học trò năm xưa đã thành người. Có người nối nghiệp thầy làm giáo viên, có người là kỹ sư điện, kỹ sư nông nghiệp, thủy lợi.
Mỗi năm có dịp về quê chúng tôi vẫn đến bên thầy, được chính thầy đãi những món ăn ngon và ngồi cùng nhau hàn huyên tâm sự chuyện cũ. Thầy nhớ tên tất cả đám học trò của mình, gọi tên từng đứa và còn nhớ cả những sản vật nhà của từng đứa mang tới nhà thầy. Giữa chúng tôi với thầy chẳng bao giờ thấy có khoảng cách mà rất tự nhiên, gần gũi như người trong một gia đình.
Mới đó mà những bữa cơm với thầy đã cách xa mấy chục năm. Tận trong đáy lòng của tôi, của đứa học trò nghèo năm ấy luôn dành cho thầy một sự kính trọng, biết ơn. Và mỗi lần nhớ về thầy, lòng tôi rưng rưng tôi nhớ tới những câu thơ của tác giả Thảo Nguyên: “Con đò mộc, mái đầu sương/ Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày/ Khúc sông ấy vẫn còn đây/ Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...”. Tôi thấy bóng hình thầm lặng thân thương của thầy ở đó và những bữa cơm ấm áp vô cùng!
MAI THỊ TRÚC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: