(Báo Quảng Ngãi)- Bạo lực học đường, ngộ độc thực phẩm đang là nỗi lo đối với phụ huynh và nhà trường, vì ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần của học sinh (HS). Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT đã có Công điện số 2074/CĐ-BGDĐT về bảo đảm an toàn trường học gửi giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bán hàng rong dưới hình thức xe lưu động trước một trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. |
Những vụ việc đáng tiếc
Đầu tháng 12/2023, dư luận xôn xao trước vụ việc cô giáo bị HS nhốt trong lớp, ném dép vào người ở tỉnh Tuyên Quang. Hay vụ hàng chục HS ở Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) ngộ độc thực phẩm phải nhập viện vào chiều 9/12/2023. Trong cùng thời điểm, nhiều phụ huynh tại một trường THCS trên địa bàn TP.Quảng Ngãi xôn xao, bức xúc trước vụ việc nữ sinh bị bạn cùng lớp đánh hội đồng và quay video... gây hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh có con em đang tuổi đến trường.
Trước vụ việc hàng chục HS của trường bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà Đỗ Việt Tùng cho biết, thời gian tới nhà trường tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho HS trong giờ chào cờ. Đồng thời, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh HS thông qua các kênh Zalo nhóm lớp để giáo dục các em không nhận quà từ người lạ, không mua đồ ăn vặt trước cổng trường và đưa đón con đúng giờ. Trường cũng phối hợp với UBND xã, ngành chức năng kiểm tra các hàng quán trước cổng trường và xử lý dứt điểm các hàng quán, nhất là các xe bán hàng lưu động xung quanh trường.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Tâm, thời gian qua ngành GD&ĐT thường xuyên có văn bản nhắc nhở, hướng dẫn đảm bảo an toàn trong trường học. Tuy vậy, một số vụ việc vẫn xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần, tính mạng của HS. Để khắc phục tình trạng này và bảo đảm an toàn trường học, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện Công điện 2074 của Bộ GD&ĐT; đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ, việc giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho HS, sinh viên là rất cần thiết. Vì vậy, các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục tiếp tục giáo dục, trang bị, hướng dẫn cho HS kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đuối nước, các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường; đặc biệt chú trọng đề phòng tình trạng bạo lực học đường. Tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm có nguy cơ mất an toàn cao như cháy nổ, ngập, sạt lở trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các khu nội trú, ký túc xá, các phòng thí nghiệm. Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường.
Nhiều trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi thực hiện quy trình bếp ăn một chiều, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Hiện nay, các địa phương tập trung thực hiện biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, phòng, chống việc sử dụng chất gây nghiện. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành Tăng Ngọc Thiên cho hay, phòng đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, nhất là đối với các trường mầm non có tổ chức bán trú. Các trường thực hiện lưu mẫu hằng ngày và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Giáo viên Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh không mua đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc. |
Theo ông Tăng Ngọc Thiên, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện có những văn bản chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với phòng để thực các hoạt động đảm bảo an toàn trường học. Phòng GD&ĐT huyện cũng đã phối hợp với Công an huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kết hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy học đường và một số kỹ năng trong phòng cháy, chữa cháy. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các trường đảm bảo an toàn thực phẩm; những trường có tổ chức bán trú thực hiện lưu mẫu và thực phẩm phải có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ.
Hiện nay, các trường mầm non trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có nhân viên y tế nhưng các trường tiểu học, THCS không có nhân viên y tế. Vì vậy, phòng đã chỉ đạo các trường thường xuyên phối hợp với cơ quan y tế gần nhất để hướng dẫn HS cách phòng, tránh ngộ độc thực phẩm. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho HS không nên mua nước, quà bánh bán rong trước cổng trường. Trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm thì các trường kịp thời phối hợp với cơ quan y tế gần nhất để xử lý.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: