Người thầy

09:30, 08/01/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vai trò người thầy bắt đầu từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chủ yếu trong các trường sư phạm. Ngành sư phạm có chức năng đào tạo người thầy, thì bản thân nhà trường phải bắt kịp trình độ đào tạo của thế giới, dù điều này thật sự không hề dễ dàng. Ngoài ngành sư phạm đào tạo, thì bây giờ và trong tương lai, người thầy có thể xuất phát từ các trường đào tạo khác, nhất là các trường chuyên sâu về công nghệ, về xã hội nhân văn. 

Thầy và trò Trường THPT Sơn Mỹ (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.  Ảnh: PV
Thầy và trò Trường THPT Sơn Mỹ (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.  Ảnh: PV

Cuối năm 2023, tôi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện trong một cuộc tọa đàm với học sinh (HS) phổ thông trung học trường Vinschool ở TP.Hồ Chí Minh. Tôi nhận thấy hệ thống trường này đào tạo HS có hiểu biết rộng không chỉ nghiêng về một mặt kiến thức nào. Ngay môn Lịch sử, vốn lâu nay ít được quan tâm ở các trường phổ thông, thì ở hệ thống trường Vinschool vẫn được quan tâm.

Một em HS chuyên Sử của trường này đã đứng ra làm MC cho một cuộc tọa đàm về chiến tranh, nhan đề “Những tiếng nói từ chiến trường”, và kiến thức về sử học, những hiểu biết về chiến tranh của em đã khiến tôi phải ngạc nhiên. Dĩ nhiên, Trường Vinschool là hệ thống giáo dục thu học phí cao, của tư nhân, họ giáo dục theo những mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay. Nhưng đây là hệ thống trường phổ thông ngay tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy được những thành công của họ, có thể áp dụng phần nào vào các trường phổ thông công lập và tư thục hiện nay. 

Trong trường học, người thầy phải được kính trọng, nhưng với điều kiện người thầy phải ứng xử thật sự công bằng với học trò. Khi xã hội đang tiến đến sự công bằng, thì nhà trường và người thầy phải đi trước trong ứng xử công bằng, vì điều đó mang lại niềm tin và ăn sâu vào tiềm thức của HS cho mãi khi các em đã trưởng thành. Không phân biệt đối xử, không “vô tư” nâng điểm cho những HS gia đình khá giả, khiến HS nghèo phải tủi thân, người thầy sẽ được HS kính trọng và yêu thương. Bởi trong cuộc đời, sự kính trọng phải đi liền với tình yêu thương, thì sự kính trọng ấy mới bền chặt.

Vai trò người thầy trong lớp học có thể ví như vai trò của một người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc. Lớp học thường có học sinh cá biệt. Trong dàn nhạc cũng có nhạc công chơi chưa đúng yêu cầu bản nhạc. Người thầy, người nhạc trưởng phải chỉnh sửa bằng uy tín chuyên môn, bằng sự quan tâm và lo lắng, bằng cả tấm lòng của mình, để bản nhạc hay lớp học trong suốt năm không xảy ra những lạc nhịp.

THANH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:30, 08/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.