Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Nhiều bất cập cần tháo gỡ (kỳ cuối)

09:25, 27/04/2023
.


Kỳ cuối: Phải nỗ lực và quyết tâm hơn nữa

(Báo Quảng Ngãi)- Quyết tâm lớn nhất trong đổi mới của ngành  GD&ĐT lần này là triển khai thành công Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM). 

Chương trình GDPTM đã được lấy ý kiến tham vấn từ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và khảo sát, thăm dò xã hội với quy mô lớn. Đây được xem là bản thiết kế hoàn chỉnh, mang tính quyết định đối với sự thành công của công tác đổi mới giáo dục.

Đổi mới là tất yếu

Hai vấn đề được xem là cốt lõi, nghe qua có thể là trái ngược nhưng đó là tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của giáo dục. Đó là giáo dục cần có sự ổn định và đổi mới. Ổn định để kế thừa, phát triển. Đổi mới để bổ sung và tiếp thu điểm mới, tiên tiến của nhân loại trong sự phát triển đa dạng, toàn cầu về giáo dục vốn dĩ phải đi trước một bước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa về cơ bản đã tạo những chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư. Môi trường học tập của con em được cải thiện. Trình độ cán bộ quản lý, năng lực giáo viên và chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao. Từ đó, tạo được niềm tin trong nhân dân cũng như phụ huynh học sinh (HS) đối với ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị.

Giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học để phát triển năng lực học sinh.ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG.
Giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học để phát triển năng lực học sinh.ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, từ khi Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được ban hành, Quảng Ngãi đã tích cực triển khai thực hiện việc đổi mới. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88 có tác động rất lớn đối với giáo dục phổ thông. Các cơ sở giáo dục chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học. 

Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 về việc phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2023 - 2025 là hơn 2.753 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất gần 2.045 tỷ đồng, còn lại mua sắm trang thiết bị.

Giáo viên chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy HS vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất; chuyển cách đánh giá kết quả giáo dục từ nặng về kiểm tra trí nhớ sang kiểm tra, đánh giá năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề. Coi trọng cả kiểm tra, đánh giá kết quả học tập với kiểm tra, đánh giá trong quá trình học tập để tác động kịp thời nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động dạy học.

Cô giáo Đinh Thị Mỹ Lệ, dạy môn Sinh học - Công nghệ nông, Trường THPT số 2 Mộ Đức cho rằng, Chương trình GDPTM có số môn học ít hơn nhưng chương trình nặng hơn. Điều này đòi hỏi giáo viên phải tìm tòi phương pháp dạy học mới. Trong giảng dạy, giáo viên giao bài tập về nhà cho HS. Các em tự tìm hiểu và chuẩn bị bài để thuyết trình trên lớp. Phương pháp dạy học mới đã giúp HS phát triển năng lực tốt hơn.

Theo các nhà quản lý giáo dục, một trong những điểm rất hay của Chương trình GDPTM là “tính mở”, giao quyền chủ động cho nhà trường và giáo viên. Điều này giúp giáo viên xây dựng kế hoạch phù hợp để giảng dạy tốt hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay là tìm giải pháp để triển khai chương trình đạt hiệu quả cao nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Mặc dù trong quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập, song chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực mà chương trình mang lại. 

“Tại Singapore, người ta có 10 năm đào tạo chương trình cơ bản và 3 năm dự bị đại học. Trong 3 năm dự bị đại học, học sinh được định hướng nghề nghiệp giống bậc THPT của Chương trình GDPTM ở nước ta. Trong thời đại ngày càng phát triển, việc thay đổi chương trình là hợp lý. Để khi học cao đẳng, đại học, các em được nghiên cứu chuyên sâu đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường”, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) Trần Quốc Bảo nói. Theo thầy Bảo, Nghị quyết 29-NQ/TW đã định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT từ năm 2013. Vì vậy, nhà trường quyết tâm thực hiện thành công Chương trình GDPTM.

Cần có thời gian để thực hiện

Để thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới giáo dục cần phải trải qua một quá trình, từ chuẩn bị đến triển khai, đánh giá và điều chỉnh, khắc phục. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần tiếp tục lắng nghe ý kiến, đề xuất từ cơ sở giáo dục, phụ huynh, HS để kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp. Những việc cấp bách, cần thiết, cần quan tâm xem xét giải quyết sớm.

Hiện nay, các khối lớp 6 và 7 đang thực hiện Chương trình GDPTM. Theo đó, HS được học các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp... Trong đó, Khoa học tự nhiên là môn học mới ở bậc THCS. Đây là môn học với các phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Trước đây, giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn tương ứng với các môn học riêng. Trong khi đó, Chương trình GDPTM tích hợp cả 3 phân môn nên các trường gặp khó trong việc phân công giáo viên giảng dạy, kiểm tra, đánh giá HS. Trước thực trạng đó, nhiều trường THCS khắc phục tạm thời những khó khăn bằng cách phân công 2  - 3 giáo viên dạy tích hợp liên môn; đồng thời giao nhiệm vụ cho GV của từng phân biên soạn đề kiểm tra.

Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) trong một tiết học.            Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) trong một tiết học.            Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Cô giáo Lê Thị Quý Nga, dạy môn Sinh học, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) được phân công đánh giá HS lớp 6 bộ môn Khoa học tự nhiên. Cô Nga cho biết, việc ra đề kiểm tra, đánh giá HS gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngành GD&ĐT cần tạo điều kiện cho giáo viên được bồi dưỡng các phân môn còn lại, để một  giáo viên có thể dạy cả 3 phân môn của môn Khoa học tự nhiên. Như vậy, việc ra đề kiểm tra, đánh giá HS sẽ thuận lợi hơn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, Bộ GD&ĐT cần mở các lớp tập huấn tại địa phương để tạo điều kiện cho giáo viên được tập huấn trực tiếp. Đồng thời, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng sư phạm rà soát lại khung đào tạo, chương trình và nội dung đào tạo sinh viên sư phạm, tăng cường các kỹ năng mềm và dạy các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý... để phù hợp với việc giảng dạy theo Chương trình GDPTM. Để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu giáo viên đáp ứng Chương trình GDPTM, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ có hướng giải quyết trong khâu tuyển dụng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Vì hiện nay, nhiều sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng trình độ đào tạo và điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển theo quy định,nên các địa phương tuyển dụng không đủ chỉ tiêu được giao.

Chương trình GDPTM có nhiều điểm ưu việt, tiệm cận nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ thì những khó khăn như thừa - thiếu giáo viên cục bộ, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn... mới được giải quyết triệt để. Khi đó, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPTM sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc để đổi mới thành công.

TRỊNH PHƯƠNG

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


 


Ý kiến bạn đọc


.