Nên sớm có ngân hàng đề thi lớp 10

10:54, 09/08/2021
.

(Baoquangngai.vn) – Giáo viên vừa dạy thêm vừa ra đề thi khó mà công tâm, không để công tư lẫn lộn. Mớm đề thi cho học sinh ở lớp học thêm là điều khó tránh khỏi. Để tạo công bằng cho thí sinh nên chăng tạo ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10?

[links()]

Không phải chờ đến Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua khi dư luận xôn xao chúng ta mới biết có tình trạng giáo viên "vừa đá bóng vừa thổi còi", giáo viên dạy thêm tại nhà nằm trong ê kíp ra đề thi. 

Kỳ thi tuyển sinh 3 năm trước cũng gây tranh cãi việc đề thi môn Toán không chuyên có bài hình học giống hệt trong đề thi thử tại lớp học thêm của thầy giáo ở trường huyện. Thầy giáo này cũng nằm trong ê kíp ra đề. 

Trong các kỳ thi hiện nay, có 2 kỳ quan trọng đối với học sinh là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10. Việc giáo viên mớm đề thi cho học sinh tại lớp học thêm gây mất công bằng cho nhiều thí sinh, mất niềm tin của xã hội vào giáo dục.

Thời buổi này, dạy thêm là nguồn thu nhập chính của hầu hết giáo viên dạy các môn chính. Học trò, phụ huynh truyền tai nhau “cô, thầy ấy dạy trúng tủ” là lớp học thêm của thầy, cô ấy sẽ hoạt động hết công suất. Thậm chí mở cửa từ lúc 5 giờ 30 phút, mỗi suất có đến hơn 100 em chen chúc nhau.

Giáo viên vừa dạy thêm vừa ra đề thi như "vừa đá bóng vừa thổi còi" khó mà công tâm, không để công tư lẫn lộn. Mớm đề thi cho học sinh ở lớp học thêm là điều rất khó tránh khỏi.

Cấm dạy thêm - học thêm, không được! Bởi dạy thêm - học thêm xuất phát từ nhu cầu có thật khi mà giáo dục còn nặng về kiểm tra, đánh giá, thi cử. Nhiều ý kiến cho rằng, đã chọn người ra đề thi thì không nên chọn giáo viên có dạy thêm, chọn người thật  sự công tâm. Chuyện này e rằng khó.

Tạo ngân hàng đề thi sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Tạo ngân hàng đề thi sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Với cách làm đề thi là chọn 3 giáo viên vào tổ ra đề, mỗi người ra đề độc lập rồi xáo trộn 3 đề lại thành đề thi hoàn chỉnh sẽ không biết bao giờ mới đảm bảo được sự công bằng cho thí sinh. Thậm chí những người ra đề có thể “bắt tay nhau”.

Còn một khâu nữa cũng dễ xảy ra tiêu cực, đó là phân nhiều vai cho một người. Người chấm thi, rồi cũng họ là người ráp phách, cũng là người đọc điểm thi vào máy tính (dù có phân chéo).

Khâu này dễ xảy ra tiêu cực, sẽ rất dễ xảy ra trường hợp trong tổ đó, khi ráp phách, đọc điểm vào điểm họ sẽ thông tin với nhau: gặp trường hợp a,b,c gì đó là người quen thì người đọc 5 điểm, nhưng người vào điểm cũng có thể nhập 7 điểm. Khâu này khó ai kiểm soát được. Và khi bị phát hiện sai sót, chênh lệch thị họ sẽ đổ thừa cho nhau.

Theo nhiều giáo viên và nhà quản lý giáo dục, tạo ngân hàng đề thi là cách để giải quyết thực trạng này. Vài năm trước, Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học làm ngân hàng đề thi. Giáo viên và các đơn vị trường học cũng đã thực hiện theo yêu cầu của Sở. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà qua các kỳ kiểm tra, thi cử, Sở vẫn không sử dụng đề trong ngân hàng đề, vẫn áp dụng hình thức ra đề như cũ.

Thực tế dù có làm ngân hàng đề chăng nữa, nhưng nếu không cập nhật sẽ không theo kịp với yêu cầu đổi mới. Vì vậy, làm ngân hàng đề theo từng năm học là giải pháp hợp lý nhất. Đầu năm học mới, Sở GD&ĐT có thể chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục ra đề để sở làm ngân hàng đề, phản biện chéo, có sự cập nhật trong suốt năm học để đảm bảo tính thời sự, phù hợp với chương trình, làm phong phú thêm ngân hàng đề thi. Ngân hàng đề đó sử dụng trong năm học. Ngân hàng đề sẽ giúp tăng tính hiệu quả trong dạy, học, kiểm tra, thi cử. Qua đó cũng đánh giá đúng, trúng chất lượng dạy và học. 

C.P


.