(Báo Quảng Ngãi)- Cứ vào độ tháng 10 âm lịch, người dân vùng cao Quảng Ngãi bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa rẫy. Những hạt lúa được kết tinh từ tinh hoa của đất trời, đã trở thành nét văn hóa của đồng bào vùng cao.
Những ngày này, đi dọc các cung đường dẫn về các xã vùng cao trong tỉnh dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vạt lúa rẫy vàng óng vắt trên những quả đồi, sườn núi. Cẩn thận tuốt từng bông lúa nặng hạt bỏ vào gùi, chị Hồ Thị Thin, ở xã Trà Tây (Trà Bồng) chia sẻ, năm nay lúa nặng hạt nên bà con ai cũng vui. Nhà tôi thu hoạch hết rẫy cũng được 8 bao lúa. Mùa mưa này không lo thiếu gạo ăn rồi. Trong lúc thu hoạch, chị Thin không quên chọn những bông lúa đẹp nhất để nấu cơm cúng mừng lúa mới và làm giống cho mùa vụ sau.
Người dân xã Trà Tây (Trà Bồng) thu hoạch lúa rẫy. |
Sau gần 2 giờ thu hoạch lúa trên đồi, chị Đinh Thị Ngà, ở xã Hương Trà (Trà Bồng) cũng tuốt được 2 gùi lúa rẫy. “Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây lúa rẫy phát triển tốt, bông dày. Nếu tuốt hết rẫy chắc cũng được hơn 6 bao lúa. Như vậy là đạt rồi”, chị Ngà vui vẻ nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Hương Trà Hồ Minh Hiếu, năng suất lúa rẫy chỉ bằng 1/4 lúa nước. Trồng lúa rẫy là nét văn hóa của người dân ở địa phương, góp phần giúp các gia đình đảm bảo lương thực dự trữ, nhất là vào mùa mưa bão hằng năm.
Mùa này, người dân ở các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ cũng tranh thủ thu hoạch lúa rẫy. Lúa rẫy có thời gian sinh trưởng rất dài, từ khi gieo hạt đến khi lúa chín tầm 4,5 - 5 tháng. Hằng năm, cứ khoảng tháng 4 đến tháng 5 âm lịch, người dân bắt đầu gieo hạt, đến tháng 10 âm lịch thì thu hoạch. Không như lúa nước ở đồng bằng, lúa rẫy sinh trưởng và phát triển theo lẽ tự nhiên của đất trời, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Vì vậy, sản lượng tuy không cao, nhưng chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao hơn so với lúa nước. Khi nấu chín, hạt gạo nở to và có vị ngọt, bùi. Vậy nên, lúa rẫy được xem là đặc sản ở các huyện miền núi Quảng Ngãi.
Sau khi thu hoạch lúa rẫy mang về nhà, đồng bào vùng cao thường thực hiện nghi thức cúng mừng mùa lúa mới. Đây là dịp để người dân tạ ơn Thần lúa giúp mùa màng bội thu, dân làng no đủ. Những con chim, con sóc, chuột bắt được trên rẫy sẽ được làm vật phẩm tế Thần lúa, với mong muốn mùa sau sẽ được mùa. Với người Cor, Hrê, Ca Dong, cây lúa rẫy không chỉ mang đến sự no đủ mà còn là nét văn hóa không thể tách rời. Chính quyền các địa phương khuyến khích người dân trồng lúa rẫy xen kẽ trên diện tích đất sản xuất cây hằng năm để bảo tồn nguồn giống.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: