(Báo Quảng Ngãi)- Phân công cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% là cách làm mới của huyện Trà Bồng trong công tác giảm nghèo, giai đoạn 2022 - 2025. Cách làm này giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chỉ cách làm ăn
Tròn 1 năm kể từ ngày được Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Trà Bồng và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tây hỗ trợ con giống và hướng dẫn cách chăn nuôi, cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Hưu, hộ cận nghèo ở thôn Vàng, xã Trà Tây (Trà Bồng) ổn định hơn trước. "Từ 2 con heo ky giống ban đầu, nay tôi đã phát triển được đàn heo hơn 10 con. Từ 10 con gà, 8 con vịt xiêm được hỗ trợ, tôi cũng đã phát triển được đàn gia cầm và sẽ bán vào dịp Tết sắp đến", chị Hưu chia sẻ.
Chị Hồ Thị Hưu, ở thôn Vàng, xã Trà Tây (Trà Bồng), được hỗ trợ heo giống. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG |
Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Trà Bồng Phan Thị Xuân Lập cho biết, hiểu được khó khăn của người dân ở vùng sâu, vùng xa nên khi huyện phát động chương trình phân công cơ quan, đơn vị, địa phương giúp đỡ người dân tại những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, chúng tôi đồng tình hưởng ứng. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ phương tiện sinh kế ban đầu, mà còn động viên, hướng dẫn người dân cách chăn nuôi cũng như kết nối đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, để chủ trương giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo lan tỏa trong cuộc sống.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng, Trạm Y tế xã Hương Trà và Trường Mầm non số 1 Hương Trà cũng đã phối hợp hỗ trợ bò giống sinh sản cho gia đình chị Hồ Thị Hoa, hộ nghèo ở xã Hương Trà.
"Để sự giúp đỡ đi vào thực chất, mang lại ý nghĩa thiết thực cho người dân, 3 cơ quan, đơn vị đã gặp gỡ, trao đổi với hộ dân và khảo sát điều kiện thực tế của gia đình. Từ đó, chúng tôi thống nhất hỗ trợ bò sinh sản theo nhu cầu của hộ nghèo. Trung tâm phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến nhà hướng dẫn người dân về kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương thoát nghèo. Trao sinh kế chỉ là một phần, còn lại phải giúp các hộ dân thay đổi cách nghĩ, cách làm thì mới thoát nghèo bền vững", Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng Nguyễn Công Vinh cho hay.
Đồng lòng vì người nghèo
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, năm 2022, UBND huyện Trà Bồng ban hành Quyết định số 2545/QĐ-UBND về việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các thôn thuộc xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 30%). Việc phân công được thực hiện theo nguyên tắc, mỗi năm một cơ quan cấp huyện sẽ phối hợp với ít nhất một trường học trên địa bàn xã để cùng hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một hộ dân thoát nghèo bền vững.
Từ chủ trương ý nghĩa này, từ năm 2022 đến nay, 64 cơ quan, đơn vị đã cùng nhau tiếp sức cho 33 hộ nghèo, cận nghèo tại 31 thôn trên địa bàn huyện. Để có kinh phí hỗ trợ người nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã đóng góp gần 380 triệu đồng, hỗ trợ nhiều phương tiện sinh kế thiết thực cho người dân. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ý nghĩa như tư vấn, định hướng người dân cách làm ăn, tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người nghèo, cận nghèo còn ở trong độ tuổi lao động...
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương nhấn mạnh, hỗ trợ người dân thoát nghèo không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều, mà là cả một quá trình. Trong đó, việc khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân là quan trọng nhất. Vì vậy, huyện triển khai chương trình này để mỗi cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người dân thấy được công tác giảm nghèo là việc làm thường xuyên, liên tục, cần sự chung tay của toàn xã hội. Từ những kết quả bước đầu trong thực hiện việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ người nghèo, huyện Trà Bồng đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025, các cơ quan, đơn vị sẽ chung tay, giúp đỡ 390 hộ thoát nghèo bền vững.
Ý THU - NHỊ PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: