Giảm thiểu bất bình đẳng giới ở miền núi

17:35, 14/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đây là dự án đầu tiên và có đặc thù riêng về giới được đưa vào chương trình MTQG.

Tại Quảng Ngãi, dự án được triển khai tại 40 thôn đặc biệt khó khăn của 6 huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Nghĩa Hành.

Phụ nữ, trẻ em huyện Minh Long tham gia một hoạt động thuộc dự án 8 được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: PV

Truyền thông cộng đồng

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, từ cuối năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện Minh Long đã thành lập, duy trì hoạt động của 6 tổ truyền thông cộng đồng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Long Đinh Thị Nghiêng cho biết, mỗi tổ truyền thông cộng đồng có 10 thành viên. Chủ đề chính trong năm 2023 là: “Giới và bình đẳng giới”. Hằng tháng, các tổ truyền thông tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông như: Phát tờ rơi, lồng ghép nội dung vào các buổi họp thôn, nói chuyện chuyên đề để giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; loại bỏ định kiến giới, hủ tục, thói quen lạc hậu; chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế.

Tuy mới thành lập và còn nhiều khó khăn, song các tổ truyền thông cộng đồng luôn cố gắng vừa đa dạng hóa hình thức tuyên truyền vừa chắt lọc hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân để tăng tính hiệu quả.

Chị Đinh Thị Nghiêng chia sẻ thêm, việc các tổ truyền thông cộng đồng tập trung chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới và quyền lợi trẻ em mà còn góp phần hoàn thành các nhiệm vụ mà Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đề ra, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đa dạng các hoạt động

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na cho biết, quá trình triển khai thực hiện dự án 8, cán bộ các cấp hội tích cực triển khai các nội dung, trong đó tập trung xây dựng các mô hình truyền thông, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cũng như xóa bỏ định kiến giới và các hủ tục lạc hậu.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án 8, đến nay, Hội LHPN tỉnh đã thành lập 40 tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn, xã khó khăn. Hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông và truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các tổ truyền thông. Hướng dẫn xây dựng, củng cố 6 địa chỉ tin cậy cộng đồng, với 79 thành viên là bí thư chi bộ thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn, các chi hội trưởng tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng.

Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức 2 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS cấp huyện, cấp xã và vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 169 thành viên. Ngoài ra, các cấp hội đã phối hợp triển khai tổ chức tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

“Với các hoạt động đã triển khai, bước đầu đã có tác động tích cực đến phụ nữ và trẻ em DTTS miền núi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS trong tỉnh”, bà Lê Na khẳng định.

XUÂN HIẾU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 17:35, 14/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.