Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho miền núi

14:51, 24/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG). Hiện nay, các công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN trong tỉnh đã và đang được các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

Tuyến đường nối từ Tập đoàn 10 đi Tập đoàn 9, thuộc thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp (Minh Long), trước đây là đường đất nhỏ và lầy lội, gây khó khăn rất nhiều cho việc đi lại của khoảng 60 hộ dân. Bằng nguồn vốn Chương trình MTQG năm 2022, huyện Minh Long đã triển khai xây dựng tuyến đường khoảng 300m, với tổng mức đầu tư gần 400 triệu đồng. “Bao năm đi lại vất vả, giờ đây có con đường bê tông sạch đẹp, thuận tiện cho người dân giao thương, vận chuyển nông sản, học sinh đến trường, ai cũng phấn khởi lắm”, Trưởng thôn Hà Bôi Đinh Văn Măm chia sẻ.

Tuyến đường từ Tập đoàn 10 đi Tập đoàn 9, thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp (Minh Long) được đầu tư xây mới.    
Tuyến đường từ Tập đoàn 10 đi Tập đoàn 9, thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp (Minh Long) được đầu tư xây mới.    

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai (Minh Long) có quy mô 80 chỗ ngồi, với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG cũng vừa xây dựng hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Thìn Em, ở thôn Mai Lãnh Hữu hồ hởi cho biết, Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nhà sinh hoạt cộng đồng giúp người dân có không gian rộng rãi, thoải mái để họp hành, vui chơi, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao. Người dân trong thôn ai cũng phấn khởi và sẽ cố gắng bảo quản, giữ gìn để sử dụng lâu dài.

Hai công trình trên nằm trong 11 công trình của huyện Minh Long được phân bổ vốn từ Chương trình MTQG năm 2022, xây dựng tại các xã Long Hiệp, Long Mai và Long Môn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Thị Xuân Hương, nguồn vốn từ Chương trình MTQG đóng vai trò quan trọng, giúp địa phương tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2023, huyện Minh Long tập trung thi công 10 công trình như: Đường vào khu sản xuất Gò Chanh (xã Long Hiệp), nâng cấp kênh mương Hố Cái - Cầu Trăng, thôn Dư Hữu, nghĩa trang nhân dân thôn Long Thượng (đều thuộc xã Long Mai)... với kinh phí 8,7 tỷ đồng.

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai (Minh Long) vừa được đưa vào sử dụng.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai (Minh Long) vừa được đưa vào sử dụng.

Tại Sơn Tây, năm 2022, huyện có 25 hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu được cấp vốn từ Chương trình MTQG để đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa. Trong đó, xây mới, nâng cấp các công trình phục vụ sản xuất như đập thủy lợi Mang Rễ, Tà Ngàm (xã Sơn Lập), đập Tà Vanh (xã Sơn Màu)... Dự kiến, khi các công trình hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho gần 66ha. Ngoài ra, huyện cũng đầu tư xây dựng, nâng cấp 13 tuyến đường dân sinh ở một số xã và 1 tuyến đường vào khu sản xuất Mang Rít (xã Sơn Tân); sửa chữa các công trình nhà văn hóa cộng đồng thôn, chợ huyện Sơn Tây...

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn nhận định, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN trong tỉnh trước đây đã được đầu tư, cơ bản đảm bảo phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Tuy nhiên, cái cần thiết để phát triển địa phương là hạ tầng phục vụ cho sản xuất thì tỉnh ta vẫn chưa chú trọng đầu tư. “Thời gian tới, các địa phương miền núi cần quan tâm quy hoạch những vùng sản xuất tập trung. Từ đó, sử dụng nguồn lực của Chương trình MTQG để đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất tập trung. Qua đó, tạo cơ hội để vùng đồng bào DTTS&MN trong tỉnh phát triển bền vững”, ông Mẫn nói.

Đầu tư hơn 628 tỷ đồng

Trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh phân bổ hơn 628 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách trung ương và tỉnh để thực hiện Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN, thuộc Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Sơn Hà được phân bổ hơn 125 tỷ đồng; huyện Sơn Tây gần 122 tỷ đồng; huyện Trà Bồng hơn 164 tỷ đồng; huyện Ba Tơ trên 176 tỷ đồng; huyện Minh Long gần 37 tỷ đồng và huyện Nghĩa Hành gần 3 tỷ đồng.

 

Bài, ảnh: VŨ YẾN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 


Ý kiến bạn đọc


.