Phát triển 5G phục vụ chuyển đổi số

09:17, 05/07/2024
.

Triển khai 5G là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Dịch vụ 5G khi đi vào hoạt động sẽ không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, mà còn tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất cho các lĩnh vực ứng dụng.

Kỹ thuật viên của Viettel lắp đặt thiết bị trạm gốc 5G do chính đơn vị sản xuất.
Kỹ thuật viên của Viettel lắp đặt thiết bị trạm gốc 5G do chính đơn vị sản xuất.

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2024 sẽ thương mại hóa 5G trên toàn quốc. Do đó, Bộ đã triển khai nhiều bước chuẩn bị như đấu giá các băng tần 5G, song song với việc tiếp tục ban hành hành lang pháp lý cần thiết cũng như các cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh triển khai ứng dụng 5G.

Dần hoàn tất các bước chạy đà

Tháng 3 vừa qua, cơ quan quản lý đã đấu giá thành công hai khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) và C2 (3.700-3.800 MHz), sau đó đã cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho hai nhà mạng trúng đấu giá thành công băng tần là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Trưởng phòng Kinh tế (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Anh Cương cho biết: Dấu mốc này có ý nghĩa quan trọng, là kết quả của quá trình tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách trong việc đấu giá tần số trong thời gian qua của Chính phủ, các bộ, ngành và Bộ Thông tin và Truyền thông, mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, tạo cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trong thời gian tới, khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz) sẽ sớm được mang ra đấu giá.

Cùng việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án thành lập cơ sở đổi mới sáng tạo 5G với mục đích trưng bày, trình diễn công nghệ cũng như các ứng dụng tiêu biểu, chọn lọc của các nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp công nghệ, nhà sản xuất thiết bị, nhà cung cấp giải pháp tích hợp,... Đồng thời, Đề án này sẽ cung cấp môi trường thử nghiệm các ứng dụng, dịch vụ của hệ sinh thái hạ tầng số Việt Nam và làm cầu nối giữa doanh nghiệp công nghệ với các nhà mạng viễn thông.

Nhờ những lợi thế về tốc độ, kết nối và bảo mật, 5G kết hợp cùng điện toán biên sẽ cho phép doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn hơn với chi phí tối ưu. 5G cũng tạo điều kiện để sử dụng rộng rãi các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) hay ứng dụng internet vạn vật (IoT) trong nhiều lĩnh vực. Do đó, sử dụng 5G có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và giá trị khi được trang bị tốt hơn, từ đó giúp sinh lời từ lượng dữ liệu khổng lồ. Sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc đẩy mạnh ứng dụng 5G trong các ngành là yếu tố tiên quyết để triển khai toàn diện 5G tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng, nghiên cứu ứng dụng 5G phù hợp đặc thù ngành, từ đó chung tay, cùng các doanh nghiệp viễn thông sáng tạo, áp dụng các giải pháp 5G vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động. Mặt khác, 5G cũng giúp thúc đẩy nhiều lĩnh vực, như: chế tạo, quản lý giao thông thông minh, quản lý năng lượng, xây dựng và khai thác mỏ, giáo dục số hóa, chăm sóc sức khỏe từ xa, bán lẻ thông minh và thành phố thông minh,... Thị trường viễn thông cũng được hưởng lợi bởi 5G sẽ là một nguồn doanh thu mới khi số lượng lớn các thuê bao quyết định chuyển sang sử dụng công nghệ mạng mới và nhanh hơn.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, dự báo đến năm 2025, 5G đóng góp khoảng 7,34% vào tăng trưởng GDP. Các doanh nghiệp viễn thông như Viettel cũng cho rằng, 403 khu công nghiệp (có thể tăng lên 558 khu công nghiệp vào năm 2030), 5.000 điểm khai thác mỏ, 34 cảng biển, 22 sân bay (10 sân bay quốc tế) trên khắp cả nước chính là cơ hội để các doanh nghiệp viễn thông tập trung cung cấp dịch vụ 5G, trong đó, Viettel xác định triển khai sớm nhất các giải pháp cung cấp hạ tầng kết nối, công nghệ thông tin trên công nghệ 5G.

Làm chủ công nghệ

Chiều 20/6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao Chứng nhận hợp quy thiết bị trạm gốc 5G 8T8R và 32T32R cho Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech). Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định: Việc Viettel tự sản xuất thành công trạm gốc 5G không chỉ thể hiện tính tiên phong và năng lực vượt trội của Tập đoàn, mà còn là minh chứng cho khả năng tự chủ về công nghệ của đất nước.

Hiện Viettel đã và đang từng bước trở thành doanh nghiệp quan trọng trong lĩnh vực cung cấp thiết bị 5G với khả năng cung cấp đầy đủ bộ giải pháp cho mạng 5G từ mạng lõi, mạng truyền dẫn và mạng truy nhập vô tuyến là trạm gốc 5G. Trước đó, nhà mạng này đã triển khai thành công trên mạng lưới khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G sử dụng chipset ASIC của Qualcomm theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới. Đây là bước đột phá lớn, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông trong nước.

Là doanh nghiệp chưa sở hữu băng tần dành cho mạng 5G, nhưng MobiFone cũng đã triển khai thử nghiệm 5G. Theo đó, MobiFone dự kiến sẽ phát sóng mới 1.000 trạm 5G, nâng cấp mạng lõi để truyền tải, truyền dẫn sẵn sàng cho kinh doanh 5G. Nhà mạng này cũng đề ra kế hoạch phát triển hệ sinh thái giải pháp và dịch vụ số trên nền tảng mạng 5G, hướng tới các dịch vụ cho tốc độ dữ liệu cao.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Tô Dũng Thái cho biết, sau khi được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ 5G, VNPT đã lên kế hoạch triển khai 5G trên toàn quốc, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng mạng 5G theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất mà vẫn tối ưu hóa chi phí nguồn vốn đầu tư.

Theo Nhandan.vn

  
 

Xuất bản lúc: 09:17, 05/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.