(Báo Quảng Ngãi)- Với nhiều việc làm ý nghĩa, hai đảng viên Phạm Văn Ấp (60 tuổi), ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) và Trần Thanh Tuấn (45 tuổi), ở thôn Bãi Màu, xã Sơn Tân (Sơn Tây), đã góp sức xây dựng quê hương, giúp người dân địa phương có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Người tiên phong của làng
Thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây là vùng tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi. Toàn thôn có 95 hộ dân đều là người Hrê.
Theo con đường bê tông từ trung tâm xã, chúng tôi về xóm Suối Chá. Sau cơn mưa, nắng vàng trải dài trên những ngôi nhà xây san sát nhau ở xóm Suối Chá. Người nhà ông Phạm Văn Ấp nói, ông Ấp đang đi chăn trâu ở khu vực hồ chứa nước Cây Quăn, cách nhà hơn một cây số.
Đang chăn trâu, nghe có khách đến thăm, ông Ấp mỉm cười chào mọi người. Chỉ tay về phía lòng hồ, ông Ấp kể, trước đây, người dân xóm Suối Chá sinh sống ở khu vực này. Cả xóm lúc ấy chỉ có 6 hộ dân, với 18 nhân khẩu. Xóm nằm sâu trong núi, đường sá đi lại khó khăn, trẻ em đến trường phải trèo đèo, lội suối. Với mong muốn con cháu đi học thuận tiện, gần trường học hơn, năm 1996, ông Ấp đã tiên phong chuyển nơi ở ra vị trí hiện tại. “Nhiều người dân không muốn di dời, vì chỗ ở cũ gần suối, gần rẫy canh tác. Sau đó, tôi tích cực vận động người dân di dời đến nơi ở mới an toàn, không bị sạt lở vào mùa mưa lũ. Đồng thời, kêu gọi người dân hiến đất để thi công hồ chứa nước Cây Quăn, cung cấp nước cho các cánh đồng ở thôn Trũng Kè 2, thôn Long Bình và một phần thôn Đồng Miếu”, ông Ấp cho hay. Di dời ra nơi ở mới thuận tiện trong việc đi lại, cuộc sống ổn định, nhiều người dân đã dần nhận ra những suy nghĩ, tư duy tiến bộ của ông Ấp.
Đảng viên Phạm Văn Ấp (bên phải) luôn được người dân ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) tin yêu. Ảnh: BẢO HÒA |
Trước đây, ông Ấp từng làm tổ trưởng tổ sản xuất số 2 của thôn. Ông vận động người dân chăm lo làm ăn, phát triển sản xuất, để cải thiện đời sống. Rồi ông còn đảm nhận công tác mặt trận, y tế thôn; vận động người dân khám sức khỏe, đưa trẻ em tiêm chủng mở rộng đúng thời gian. "Trước đây, dù làm 3 vụ lúa, nhưng vẫn không đủ ăn, cuộc sống người dân ở thôn Trũng Kè 2 khó khăn và thiếu thốn. Được chính quyền và ngành chức năng tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, tôi về hướng dẫn lại cho người dân trồng 2 vụ lúa/năm. Số vụ giảm xuống, nhưng năng suất tăng lên. Việc trồng trọt, chăn nuôi dần phát triển, đời sống người dân dần thay đổi", ông Ấp nói.
Người uy tín giản dị Hiện nay, ông Ấp giữ vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của xã Hành Tín Tây. So với những ngôi nhà khang trang xung quanh, ngôi nhà của ông Ấp có phần đơn sơ, cũ kỹ. Ông Ấp nhoẻn miệng cười bảo, tất cả tài sản, vốn liếng hai vợ chồng làm lụng đều để dành nuôi con ăn học. Dù có khó khăn, vất vả, hai vợ chồng tôi luôn cố gắng cho con đi học. Bởi chỉ đi học mới có kiến thức, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xây dựng quê hương. Đến nay, các con tôi đều có việc làm ổn định. Với vợ chồng tôi, đó là tài sản quý giá, lớn lao nhất. |
Là đảng viên, ông Ấp luôn nỗ lực cống hiến, đóng góp xây dựng quê hương. Ông học hỏi, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của địa phương. Trong thời gian làm Trưởng thôn Trũng Kè 2, ông Ấp hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Ông Ấp còn thay mặt người dân phản ánh nhiều khó khăn của thôn đến các cấp, ngành, từ đó được quan tâm đầu tư làm đường, điện, xóa nhà xiêu vẹo, dột nát.
Ở thôn Trũng Kè 2, người dân luôn nhớ lời ông Ấp đã động viên, đó là vừa làm vừa biết để dành, nuôi dạy con cái ăn học. Đặc biệt, người dân nơi đây không còn mê tín dị đoan, ma chay cúng bái. Có được điều đó là một phần nhờ ông Ấp khuyên nhủ người dân. “Thấy các hủ tục tốn kém thời gian, tiền bạc, nên tôi động viên bà con bỏ dần, đến triệt để. Chỉ duy trì những truyền thống tốt đẹp, như đám cưới, đám hỏi, vui chơi ngày Tết...”, ông Ấp cho hay. Nhờ đó, cuộc sống người dân ở thôn Trũng Kè 2 ngày càng được nâng cao về vật chất, tinh thần.
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây Mai Văn Tường cho hay, trong hành trình phát triển của thôn Trũng Kè 2 có sự đóng góp, cống hiến của ông Ấp. Xóm Suối Chá, nơi ông Ấp sinh sống, luôn tiêu biểu, điển hình trong việc thực hiện các hoạt động, phong trào phát triển kinh tế - xã hội. Là đảng viên, từng đảm nhận vai trò Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Trũng Kè 2, bây giờ là người có uy tín, ông Ấp luôn sống gần gũi, chan hòa với mọi người.
Chia sẻ cơ hội phát triển kinh tế
Quê ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), năm 2010, anh Trần Thanh Tuấn cùng gia đình lên địa bàn xã Sơn Tân lập nghiệp và gắn bó đến bây giờ. Để mở hướng thoát nghèo, anh Tuấn thực hiện mô hình trồng cây ăn quả trên mảnh đất rộng hơn 2ha tại thôn Bãi Màu, xã Sơn Tân. Anh Tuấn đã trồng 500 cây ổi ruby ruột đỏ và gần 400 cây bưởi da xanh. Sau đó, anh trồng thêm hơn 300 cây cau. Kiên trì, chịu khó, anh Tuấn đã biến đất cằn cho quả ngọt, vườn cây ăn quả giúp anh Tuấn có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Sau khi thành công với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, đảng viên Trần Thanh Tuấn, ở thôn Bãi Màu, xã Sơn Tân (Sơn Tây), đã giúp đỡ người dân địa phương phát triển kinh tế. Ảnh: KIM NGÂN |
Ngoài trồng trọt, năm 2021, anh Tuấn đầu tư nuôi dê thương phẩm. Ban đầu, anh nuôi thử nghiệm một vài con nhưng do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, một số dê con bị bệnh, lợi nhuận thu được từ đàn dê chẳng là bao. Không bỏ cuộc, anh Tuấn tìm đến các trại nuôi dê trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn và tìm hiểu kiến thức trên sách báo, ti vi và mạng Internet. Khi đã nắm vững kỹ thuật, anh Tuấn bắt đầu cải tạo lại chuồng trại để nhân giống và phát triển đàn dê của gia đình. Đến nay, anh Tuấn đã có một trang trại nuôi dê được đầu tư quy mô, với hơn 200 con.
Để nuôi dê hiệu quả, anh Tuấn đầu tư trên 250 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi dê theo kiểu nhà sàn. Chuồng được chia thành nhiều ô để dễ kiểm soát và chăm sóc đàn dê. Theo anh Tuấn, dê dễ nuôi, ít bệnh, tăng trọng nhanh, vốn đầu tư thấp. Thức ăn cho dê dễ tìm, chủ yếu là các loại cây, cỏ phổ biến tại địa phương. Dê được nuôi theo hình thức nhốt chuồng hiệu quả hơn so với việc nuôi thả rông. Hiện mô hình kinh tế trang trại của anh Tuấn cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho 5 lao động ở địa phương.
Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của bản thân, anh Tuấn đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm để người dân trong và ngoài xã đến học hỏi, tham quan để phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2022, anh Tuấn đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tân, với 15 thành viên góp vốn và gần 40 thành viên liên kết sản xuất. Anh Tuấn hướng dẫn kỹ thuật để các xã viên phát triển chăn nuôi dê, bò, trồng cây ăn quả. Anh đứng ra bao tiêu sản phẩm dê thịt cho các thành viên để cung cấp cho các tỉnh, thành phố, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Anh Tuấn cho hay, xã Sơn Tân rất phù hợp để phát triển mô hình nuôi dê. Hiện dê thịt được bán với giá 300 nghìn đồng/kg và dê giống khoảng 3 triệu đồng/con. Mỗi năm, dê cái sinh sản 2 lứa, khoảng 3 - 4 con. Đây là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, giúp HTX ngày càng phát triển hơn.
Anh Đinh Văn Hồng, ở thôn Tà Dô, xã Sơn Tân cho biết, trước đây, tôi loay hoay tìm hướng thoát nghèo. Nhờ anh Tuấn giúp tôi tham gia liên kết với HTX để phát triển chăn nuôi, nên tôi không phải lo đầu ra sản phẩm. Anh Tuấn đã giúp tôi thay đổi hình thức sản xuất từ chăn thả vật nuôi sang nhốt chuồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
"Anh Tuấn là đảng viên luôn nêu gương, đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nhiều người dân trên địa bàn xã đã học hỏi, thực hiện mô hình nuôi dê nhốt chuồng của anh. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, anh Tuấn còn tích cực giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi dê cho người dân. Nhờ đó, nhiều nông dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương", Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tân Hồ Xuân Đạt nhận xét.
BẢO HÒA - TRÍ PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: