(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thiết thực, hiệu quả
Theo đánh giá của Đảng ủy Sở NN&PTNT, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Điển hình như mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa ĐH 815-6”, của Trung tâm Giống Quảng Ngãi. Mô hình được triển khai thực hiện trong vụ sản xuất hè thu 2024, với sự tham gia của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phổ Thuận và 40 hộ dân ở thôn An Định, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ).
Thực hiện mô hình này, Trung tâm Giống Quảng Ngãi đầu tư 100% giống lúa ĐH815-6 và hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn sản xuất lúa chất lượng; nông dân tham gia góp công, cam kết tuân thủ quy trình sản xuất “3 cùng” (cùng giống, cùng thời vụ và cùng phương thức canh tác).
Hợp tác xã Nông nghiệp Phổ Thuận kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chế độ chính sách và các cam kết giữa các bên đã thỏa thuận. Năng suất lúa của mô hình đạt 68,5 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với đại trà. Lúa được Trung tâm Giống Quảng Ngãi thu mua tại ruộng với giá 8.200 đồng/kg. Qua đó, giúp nông dân tham gia mô hình giảm chi phí, tăng hiệu quả 35%, lợi nhuận tăng 8 triệu đồng/ha so với trước.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình trồng bắp lấy hạt đạt năng suất cao, ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức). |
Theo Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Trịnh Lương Thơm, mô hình không chỉ giúp trung tâm chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường, mà còn tạo điều kiện để HTX nâng cao năng lực quản lý, nông dân tiếp cận quy trình và kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn giống lúa chất lượng. Việc liên kết, bao tiêu 100% sản phẩm khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ngoài HTX Nông nghiệp Phổ Thuận, những năm qua, trung tâm còn liên kết với nhiều HTX trên địa bàn các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Ba Tơ và TX.Đức Phổ trong sản xuất và tiêu thụ các loại giống lúa, với diện tích từ 100 - 150ha/năm.
Mô hình “Tuyên truyền công tác bảo vệ và phát triển rừng bằng hình thức sân khấu hóa tại một số huyện miền núi”, của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ tỉnh cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh hiện đang quản lý, bảo vệ trên 106,4 nghìn héc ta rừng và đất quy hoạch rừng phòng hộ. Bên cạnh công tác tuần tra, giám sát, BQL rừng phòng hộ tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng đến người dân bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, gặp gỡ vận động, ký cam kết... Năm 2022, BQL rừng phòng hộ tỉnh triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông về giám sát, bảo vệ và phát triển rừng bằng hình thức sân khấu hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương đánh giá, những nội dung, kiến thức về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, kỹ năng và cách thức giám sát rừng trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, thu hút và lôi cuốn người xem qua các vở kịch, phim tư liệu, tiểu phẩm bằng tiếng Kinh và Hrê. Qua đó, giúp người dân hiểu và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, tích cực tham gia vào các hoạt động giám sát, bảo vệ rừng, góp phần ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Qua các buổi tuyên truyền cũng là dịp để ngành chuyên môn, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường tinh thần đoàn kết, làm tốt công tác dân vận, nhằm phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ và phát triển rừng.
Lan tỏa cách làm hay
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, các mô hình “Dân vận khéo” của ngành gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, tập thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Vì vậy, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả rõ nét, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Cụ thể như các mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học; nông nghiệp dinh dưỡng để “không còn nạn đói”; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn thông qua hoạt động tuần tra, giám sát trên biển và trên bờ; tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép.
Qua đó tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, kết hợp với xây dựng nông thôn mới.
Cánh đồng lúa ở thôn An Định, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa Trung tâm Giống Quảng Ngãi, hợp tác xã và người dân. |
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, Đảng ủy và Ban Giám đốc sở xác định công tác dân vận là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị cũng như mục tiêu, kế hoạch của ngành. Để phong trào đi vào chiều sâu, ngày càng lan tỏa, sở xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong chương trình công tác hằng năm. Đảng ủy sở chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trực thuộc phát huy vai trò người đứng đầu, trong lãnh đạo và điều hành cần phải sát với điều kiện thực tế. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhằm duy trì và lan tỏa các mô hình “Dân vận khéo” chất lượng, hiệu quả.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: