Trời thu xanh ngát Ba Đình lịch sử

21:37, 02/09/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)-  Có lẽ trong bốn mùa thì mùa thu Hà Nội là mùa đẹp nhất, không chỉ có trong thơ ca, mà còn đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. 
 
Mùa thu Hà Nội đã để lại rất nhiều cảm xúc cho giới văn nghệ sĩ và đã cho ra đời nhiều tác phẩm rất hay. Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã viết: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”. Những gam màu rất thu, đan xen nhau tạo ra một tổng thể của đất trời thiên nhiên hòa hợp với lòng người. Thu Hà Nội còn là “mùa thu cách mạng”, mùa thu khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vòm trời mùa thu cao rộng với một màu xanh ngát, xanh trong lòng người, xanh trong không gian bát ngát, một màu xanh chan chứa bao nỗi niềm chia sẻ; một màu xanh của hy vọng, của một sức sống mới, một đời sống mới hân hoan.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. 
Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh: TƯ LIỆU

Đâu đó bỗng ngân vang giai điệu thiết tha của bài hát “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Ký, lời thơ Vũ Hoàng Địch. Trong ánh nắng thu vàng ngọt và trong suốt là sắc màu cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới rất đỗi thiêng liêng với bao hào khí, bao hân hoan reo vang từ những dòng người đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử để chào đón niềm vui bất tận.
 

Đó là khi: “Gió vút lên, ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên, đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây, lắng nghe vang tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/ Tôi về đây, trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh” (Ba Đình nắng). Hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật giản dị, thân thiết, gần gũi với mọi người như một vị cha già dân tộc đã được nhạc sĩ vẽ nên thật đẹp trong giai điệu thành kính tha thiết mà thiêng liêng biết bao: “Cha hiện lên, giọng nói hẹn thành công: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”/ Ôi thân mến lời Cha già dân tộc/ Bộ kaki đã bạc với gió sương/ Người hiện thân sức mạnh của hòa bình”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.                    Ảnh: TL
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Qua những tư liệu, thước phim, bức ảnh lưu lại những phút giây hiếm có về hình ảnh một vị lãnh tụ đã trải qua bao tháng năm đi tìm đường cứu nước, nhà thơ Chế Lan Viên đã khái quát hình tượng: “Người đi tìm hình của nước”. Hình đất nước Việt Nam, hình chữ S thân yêu mềm như một dải lụa đào nhưng cũng mang cả năng lượng mới hình tia chớp. Hình của nước là Tổ quốc Việt Nam, là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ với tất cả sức mạnh của truyền thống lịch sử ngàn đời.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết thành một chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đứng trên kỳ đài, Bác vẫn bộ quần áo giản dị với một câu hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hai tiếng “đồng bào” sao mà thân thiết, chứa chan tình cảm!

Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: TL
Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: TL

Dân tộc Việt Nam, một dân tộc được sinh ra chung một bọc trứng theo truyền thuyết mẹ Âu Cơ, cùng chung nguồn cội con Lạc cháu Hồng, cùng chung một ý chí chảy trong huyết quản, đó là lòng yêu nước nồng nàn. Từ Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn các chiến sĩ của Đại đoàn quân tiên phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
 

Một dân tộc đã đứng lên đánh giặc ngoại xâm với những bản tuyên ngôn bất hủ khẳng định chủ quyền đất nước, đó là bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Một dân tộc mà nhà thơ Huy Cận đã tạc thành tượng đài trong thơ: “Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang và nhân ái chan hòa”. Một dân tộc mà: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?- Chế Lan Viên).

Những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chưa bao giờ hình ảnh Tổ quốc lại có tầm vóc lớn lao được Tuyên ngôn Độc lập khẳng định, được rọi sáng, được cộng hưởng của một văn bản pháp lý rất hiện đại, phù hợp với sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, của tất cả dân tộc bị áp bức, bị nô dịch trên toàn thế giới. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định tính pháp lý của nền độc lập và chủ quyền của một quốc gia. “Sáng Tuyên ngôn” bởi ngôn ngữ của Tuyên ngôn Độc lập là ngôn ngữ văn kiện chính trị hướng đến công chúng với đối tượng là quốc dân và thế giới trong một cảm hứng hào sảng cao độ, cảm xúc dâng trào ngọn bút qua hai từ “độc lập”, “tự do”. “Sáng Tuyên ngôn” bởi đây là Bản Tuyên ngôn mang hào khí của dân tộc Việt Nam, từ nội lực giống nòi, từ hồn thiêng sông núi, từ khí phách dân tộc...

 

Đã 79 năm trôi qua mà âm hưởng của ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vẫn còn vang vọng mãi. Bản Tuyên ngôn Độc lập có giá trị trường tồn cùng dân tộc Việt Nam. Từ một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, dân tộc Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã vượt qua bao ghềnh thác, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...”.

Nhà bác Hồ ở làng Sen - Nghệ An.
Ảnh: TL
Nhà bác Hồ ở làng Sen - Nghệ An. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.                                          Ảnh: TRUNG ĐỨC
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Ảnh: TRUNG ĐỨC

Dù Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh của Người trong nắng xanh Quảng trường Ba Đình, trong sắc đỏ màu cờ và ngôi sao vàng năm cánh vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Người đứng trên đài lặng phút giây/ Trông đàn con đó vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán, ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây”.

HÀ HUY

Trình bày: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:37, 02/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.