(Báo Quảng Ngãi)- Trong 2 ngày (27 - 28/8) sẽ diễn ra Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh về những đóng góp của MTTQ các cấp đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với MTTQ các cấp trong thời gian tới.
PV: Đồng chí đánh giá thế nào về hoạt động của MTTQ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024, cũng như những đóng góp của MTTQ các cấp đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Đồng chí Đinh Thị Hồng Minh: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng; sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và các tổ chức thành viên, sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, có thể nói rằng, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Hoạt động của MTTQ các cấp trong tỉnh đã bám sát nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các chương trình lớn gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mặt trận Tổ quốc cũng đã mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố và xây dựng hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở, nhất là hoạt động của ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng “gần dân, sát dân, trọng dân”, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Nhờ đó, đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, củng cố niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng.
Với những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua, có thể khẳng định rằng, MTTQ tỉnh ta đã kế tục xứng đáng truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, không ngừng phấn đấu và trưởng thành về nhiều mặt; vai trò, vị trí của MTTQ tỉnh tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống xã hội, xứng đáng là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh tặng quà cho cựu chiến binh là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: T.THUẬN |
PV: Theo đồng chí, đâu là những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của MTTQ các cấp trong tỉnh cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới?
Đồng chí Đinh Thị Hồng Minh: Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác Mặt trận của tỉnh vẫn còn có mặt tồn tại, hạn chế. Cụ thể là: Nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân chưa sâu rộng và toàn diện; một số nơi chưa phát huy vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và đoàn thể cấp xã chất lượng còn hạn chế; vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân có lúc, có việc chưa thực sự rõ nét.
Nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, một số tổ chức thành viên còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao. MTTQ một số nơi còn thiếu chủ động trong tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền trong tổ chức hoạt động. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa quan tâm tạo điều kiện để MTTQ các cấp thực hiện đúng vai trò, vị trí của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.
PV: Vậy Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những định hướng, giải pháp chủ yếu nào để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác Mặt trận của tỉnh trong thời gian tới thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Thị Hồng Minh: Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn cả nước cũng như toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh hội nhập và phát triển toàn diện trên tất cả các mặt, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo tỉnh luôn xác định việc chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội là điều kiện tiên quyết, là nhiệm vụ quan trọng để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Đảng bộ, chính quyền trong tỉnh mong muốn MTTQ các cấp tiếp tục phát huy vai trò, năng lực, phẩm chất, tăng cường vận động, tập hợp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân lớn mạnh, xứng đáng là cơ sở chính trị của các tầng lớp nhân dân, là chỗ dựa vững chắc cho Đảng bộ và chính quyền trong tỉnh. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để MTTQ các cấp trong tỉnh phát huy, cũng như nhận thức rõ và đầy đủ về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới. Đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo để MTTQ và các tổ chức thành viên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất bằng những việc làm cụ thể hơn, gắn hoạt động của Mặt trận với nhiệm vụ chung của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp trong tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo HĐND, UBND, các tổ chức thành viên trong việc phối hợp thực hiện để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian đến.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, MTTQ các cấp trong tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt chính trị, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng, tiềm năng, sức sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Đó cũng chính là khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương xứng tầm với truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ người Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
THANH THUẬN (thực hiện)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: