Kỳ 2: Công trình của ý Đảng, lòng dân
Khi ý Đảng, hợp với lòng dân sẽ tạo nên nền tảng và sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đây cũng là nền tảng vững chắc để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Làm đẹp đường quê
Diện mạo thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) ngày càng khang trang; đường làng, ngõ xóm đều được mở rộng, bê tông sạch sẽ... Có được cảnh quan như thế này là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân mà diện mạo thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) ngày càng khang trang. Ảnh: H.THU |
Trước đây, tuyến đường từ dốc thầy Liên đi ngã tư bà Biểu, ở thôn Mỹ Tân, rộng chưa đến 2,5m, nhưng mật độ xe lưu thông nhiều nên thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông. Sau khi có chủ trương của Đảng ủy xã về mở rộng đường nông thôn, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực đi từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng. Chưa đầy 1 tháng vận động, gần 50 hộ dân đã tiên phong hiến đất và đóng góp ngày công, tiền của để mở rộng, đổ bê tông tuyến đường. Nhờ đó, tuyến đường đã hoàn thành, với chiều dài trên 1,1km, rộng hơn 6m. Tổng kinh phí xây dựng gần 1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 500 triệu đồng.
Là một trong những hộ dân tiên phong hiến hơn 500m2 đất đang trồng đậu, mè để mở đường, ông Trịnh Quốc Đại, ở thôn Mỹ Tân chia sẻ, sau khi có chủ trương của xã và cán bộ Mặt trận tuyên truyền, vận động về mở rộng, nâng cấp tuyến đường thôn, tôi và nhiều hộ dân thấy hợp lý nên đồng tình hiến đất, tự nguyện góp tiền, ngày công để cùng thực hiện. Tuyến đường hoàn thành gần tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giúp người dân đi lại thuận tiện, diện mạo làng quê ngày càng văn minh, khang trang.
Từ năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) đã phát động xây dựng “Tuyến đường đẹp” ở tất cả 6/6 thôn. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã còn phối hợp với một số tổ chức, cá nhân tổ chức Cuộc thi “Tuyến đường đẹp Nghĩa Trung” để tạo khí thế thi đua, khuyến khích người dân tích cực dọn vệ sinh, trồng hoa, làm đẹp các tuyến đường. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Trung Nguyễn Thị Ngọc cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hơn nữa, qua 2 lần tổ chức Cuộc thi “Tuyến đường đẹp Nghĩa Trung” đã tạo sự gắn kết, đồng lòng trong việc xây dựng các tuyến đường đẹp, góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Đến nay, xã có gần 20 tuyến đường đẹp, với tổng chiều dài gần 13km. Kinh phí thực hiện các tuyến đường gần 1 tỷ đồng, từ sự đóng góp của người dân, con em ở địa phương đang làm ăn sinh sống ở các tỉnh, thành phố.
Nhiều năm qua, con đường giao thông nông thôn nối Tỉnh lộ 628 - xóm Gò Rai, thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) như một lối mòn, người dân chỉ đi bộ qua đoạn đường này. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn Trung Thượng đã đến từng nhà vận động người dân hiến đất để mở rộng con đường. Sau thời gian vận động, 9 hộ dân tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, phá dỡ tường rào, để mở rộng đường. Theo đó, mặt đường được mở rộng ra 3m, chiều dài hơn 317m, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Anh Đinh HLắc là một trong những hộ đi đầu tình nguyện hiến đất để mở rộng tuyến đường chia sẻ, đúng là “tấc đất, tấc vàng”, nhưng khi được tuyên truyền, tôi hiểu ra rằng làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của người dân trong thôn được thuận tiện hơn, nên không có lý do gì mà tôi không đồng tình, hưởng ứng.
Ngoài ra, Chi ủy và Ban công tác Mặt trận thôn Trung Thượng cũng đã vận động nhân dân nạo vét kênh mương thủy lợi, sửa gần 250m đường dân sinh để vận chuyển keo, mì; vận động các hộ dân hiến 500m2 đất và đóng góp gần 38 triệu đồng để làm đường vào nghĩa trang nhân dân tại Gò Mít... Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Trung Thượng Đinh Thị Thả chia sẻ, sau khi có chủ trương của xã về việc mở rộng đường giao thông, Chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn đã tổ chức họp dân để bàn bạc, tuyên truyền, vận động người dân hiểu được lợi ích thiết thực từ việc làm đường. Nhờ vậy, đến nay trong thôn không còn những đoạn đường nhỏ hẹp, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn và diện mạo nông thôn ngày càng khang trang.
Chia sẻ với người dân vùng cao
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân xã Ba Cung (Ba Tơ) luôn phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Trước đây, tuyến Quốc lộ 24, đoạn qua đèo Lâm thuộc địa bàn xã Ba Cung có lưu lượng phương tiện qua lại khá đông, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông vào ban đêm, vì không có đèn chiếu sáng. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ba Cung phối hợp với chính quyền địa phương vận động các nhà hảo tâm, nhân dân trong xã chung sức xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Tuyến đường điện này dài hơn 3km với 100 bóng đèn điện, được thực hiện sau 3 lần huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí mua vật tư, thiết bị như dây điện, trụ điện, bóng đèn thắp sáng, người dân trong xã đóng góp ngày công để chôn trụ, kéo dây điện...
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ba Cung (Ba Tơ) phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhà hảo tâm, nhân dân lắp hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn xã. Ảnh: H.THU |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ba Cung Phạm Văn Nen cho biết, qua tuyên truyền, vận động việc lắp đặt bóng đèn chiếu sáng vào ban đêm, người dân thống nhất và hưởng ứng ngay. Không chỉ đóng góp ngày công, mà hơn 80 hộ dân có đường dây điện đi qua đều đồng lòng trả tiền điện thắp sáng, với số tiền hơn 5 triệu đồng/tháng. Giờ đây, mỗi khi màn đêm buông xuống, con đường này lại rực sáng ánh đèn. Có thể thấy, "ánh sáng của sự đồng thuận" đã mang lại sự an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Với người dân ở thôn Huy Ra Long, xã Sơn Mùa (Sơn Tây), trước đây chủ yếu sử dụng nguồn nước từ những khe suối đầu nguồn để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa, lũ cũng như hạn hán, các nguồn nước này không đủ dùng vào mùa khô hạn, còn khi mưa lũ thì không đảm bảo vệ sinh. Từ tháng 12/2023, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân đã được giải quyết, nhờ có giếng khoan do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sơn Tây kết nối, kêu gọi đóng tại thôn. “Từ khi có giếng nước, mỗi hộ có một đường ống dẫn nước về đến tận nhà. Nguồn nước hợp vệ sinh, ai cũng vui mừng, yên tâm hơn. Dù có nguồn nước tiện lợi, dồi dào như thế nhưng chúng tôi cũng luôn nhắc nhở nhau sử dụng nước một cách hợp lý”, chị Đinh Thị Vem, ở thôn Huy Ra Long, phấn khởi nói.
Gia đình chị Đinh Thị Vem, ở thôn Huy Ra Long, xã Sơn Mùa (Sơn Tây), đã được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Ảnh: TR.ÂN |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sơn Tây Nguyễn Thị Kim Ngãi, với mong muốn mang nguồn nước hợp vệ sinh đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã kết nối với Nhóm thiện nguyện xã hội 76 hỗ trợ kinh phí khoan 15 giếng tại các thôn, khu dân cư, với tổng kinh phí 450 triệu đồng. Những giếng khoan này đã góp phần mang đến nguồn nước hợp vệ sinh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cho người dân, đồng thời có nước phục vụ trồng trọt, tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Những công trình từ ý Đảng, lòng dân hoàn thành không chỉ phục vụ trực tiếp nhu cầu cuộc sống của người dân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
HIỀN THU - TRUNG ÂN - SA HUỲNH
Kỳ cuối: Hạt nhân đoàn kết ở cơ sở
TIN, BÀI LIÊN QUAN: