Chú trọng phân công công tác trong quản lý đảng viên

09:17, 17/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phân công công tác cho đảng viên là việc giao cho đảng viên những nhiệm vụ thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ. Phân công hợp lý, giúp đỡ cụ thể, giám sát thường xuyên, động viên kịp thời, đánh giá nghiêm túc sẽ giúp đảng viên tự giác thực hiện và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bài học từ nước Nga

Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có một ví dụ điển hình để bảo vệ tính tập trung, kỷ luật của đảng viên với tổ chức đảng. Đó là câu chuyện diễn ra trong nội bộ Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga - chính đảng của giai cấp công nhân, hợp nhất bởi các tổ chức theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Chi bộ Báo Quảng Ngãi trao Sổ tay đảng viên cho đảng viên. 
Ảnh: PV
Chi bộ Báo Quảng Ngãi trao Sổ tay đảng viên cho đảng viên. Ảnh: PV

Thành lập từ tháng 3/1898, nhưng do sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Nga hoàng, đến tháng 7/1903, Đảng mới họp bàn và quyết định về Điều lệ của Đảng (Đại hội II). Sau này, theo Biên bản Đại hội và tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” của Lênin, được biết: Bản thảo Điều lệ do 2 nhóm có nhiều đảng viên trong Đảng trình ra Đại hội, bao gồm nhóm do Lênin đứng đầu (Lênin gọi là nhóm Tia lửa theo tên của cơ quan ngôn luận của nhóm, hoặc là nhóm Mác - xít theo tư tưởng trung thành với chủ nghĩa Mác) và nhóm do Máctốp đứng đầu (Lênin gọi là nhóm cơ hội chủ nghĩa).

Nội dung quan trọng, đầu tiên được Đại hội bàn là: Ai có thể là đảng viên? Nhóm của Lênin đề nghị đó phải là những người “thừa nhận cương lĩnh của Đảng, ủng hộ Đảng bằng những phương tiện vật chất cũng như bằng cách tự mình tham gia một trong những tổ chức của đảng, thì được coi là đảng viên của đảng”. Nhóm Máctốp thì cho rằng, chỉ cần “thừa nhận cương lĩnh của Đảng, ủng hộ Đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình giúp đỡ Đảng một cách đều đặn, dưới sự chỉ đạo của một trong các tổ chức của Đảng thì đều được coi là đảng viên của Đảng”. Đại hội tranh luận, bỏ phiếu, những người thuộc các nhóm “trung dung” trong Đảng ủng hộ quan điểm của Lênin. Bản thảo của nhóm Lênin trở thành Điều lệ để xây dựng Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga.

“Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là bài học mà mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều phải ghi nhớ, chú trọng thực hiện.

Điểm khác biệt giữa hai quan điểm là: Lênin đòi hỏi đảng viên phải tự nguyện ở trong một tổ chức đảng, chịu sự quản lý, giao nhiệm vụ của tổ chức, bởi sức mạnh của Đảng đến từ sự tập trung, kỷ luật. Còn những người cơ hội chủ nghĩa thì cho rằng đảng viên có quyền tự do tư tưởng và hành động, nên không muốn bị ràng buộc bởi sự quản lý của tổ chức. Cuộc đấu tranh giữa 2 quan điểm tạo ra sự phân liệt về tổ chức, phân hóa về tư tưởng: Những người ủng hộ Lênin là đa số (gọi là nhóm Bôn-sê-vich), những người ủng hộ Máctốp là thiểu số (gọi là nhóm Men-sê-vich).

Đảng Cộng sản Nga sau này được xây dựng từ những người Bôn-sê-vich mang tinh thần kỷ luật chặt chẽ, nên có sức mạnh để tập hợp lực lượng, lãnh đạo giai cấp công nhân Nga làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.

Sức mạnh của Đảng

Bài học từ xây dựng tổ chức đảng thật chặt chẽ, với những đảng viên tỏ rõ sự trung thành và chấp hành kỷ luật, chấp hành sự quản lý của tổ chức đã đi cùng quá trình xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cho vai trò bách chiến bách thắng của Đảng từ khi ra đời đến nay.

Phân công công tác cho đảng viên của chi bộ đảng là một nội dung quan trọng để quản lý đảng viên. Đó “là việc giao cho đảng viên những nhiệm vụ thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ như: Xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; phát triển đảng viên; xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội...”.

Điều lệ Đảng quy định: Đảng viên phải “hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Từ trước đến nay, về cơ bản, các chi bộ trực tiếp quản lý đảng viên đều phân công công tác cho đảng viên và đa số đảng viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Các số liệu thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ qua các năm giao động từ 70 - 75% đến trên 90%. Nhiều chi bộ liên tục có 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Các nhiệm vụ mà đảng viên phải hoàn thành, trước hết gồm 4 nhóm nhiệm vụ được quy định tại Điều 2 Điều lệ Đảng. Đồng thời, còn gồm những nhiệm vụ do tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phân công. Đảng viên phải hoàn thành có chất lượng, hiệu quả và bảo đảm thời gian thực hiện các nhiệm vụ nói trên mới được đánh giá là “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Có một bộ phận đảng viên “không hoàn thành nhiệm vụ”, hoặc chỉ “hoàn thành nhiệm vụ” theo quy định riêng (bao gồm có một số hạn chế, khuyết điểm nhất định trong thực hiện nhiệm vụ được giao). Bộ phận đó không chỉ gồm một số đảng viên đang công tác trong các cơ quan của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, vi phạm nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ chi bộ, cơ quan  giao, vi phạm đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Họ còn ở trong một số đơn vị có tổ chức đảng yếu kém; một số chi bộ khu dân cư, nhất là vùng nông thôn, miền núi khó khăn, nên ít có điều kiện tham gia các hoạt động chính trị; một số chi bộ yếu kém, không phân công nhiệm vụ cho đảng viên, hoặc thiếu theo dõi, hướng dẫn, quản lý đảng viên thực hiện nhiệm vụ...

Dù với nhóm đảng viên nào, trong phạm vi hoàn cảnh nào, thì trách nhiệm của chi bộ, của cấp ủy cấp trên trực tiếp, của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, của nhân dân, nhất là của bản thân đảng viên đều là quan trọng. Trách nhiệm đó được Đảng nêu rõ: “Chi bộ có trách nhiệm giúp đỡ, kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện, đưa vào nội dung đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm. Đảng viên được phân công có trách nhiệm báo cáo với chi bộ theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu. Cấp ủy cấp trên thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và rút kinh nghiệm”.

Vì thiếu trách nhiệm, nên những đảng viên vi phạm kỷ luật, không chấp hành nhiệm vụ được phân công không được chi bộ phê bình, kiểm điểm, giáo dục, bồi dưỡng để khắc phục; hoặc không được cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng để làm trong sạch Đảng. Một số đảng viên thì bàng quan với vai trò, trách nhiệm đối với Đảng, tự “hài lòng” với mức đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ”, nên không tự mình nỗ lực phấn đấu đúng như lời thề trước cờ Đảng: “...hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”.

Phân công hợp lý, giúp đỡ cụ thể, giám sát thường xuyên, động viên kịp thời, đánh giá nghiêm túc sẽ giúp đảng viên tự giác thực hiện và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh trách nhiệm nói trên, các chi bộ, cấp ủy đảng cấp trên cần phát huy vai trò của chính quyền, cơ quan chuyên môn, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cơ quan, tổ chức và nơi đảng viên cư trú tham gia giám sát, góp ý xây dựng, phản ánh để cấp ủy cấp trên và chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt biết và điều chỉnh trách nhiệm phân công, giáo dục, giúp đỡ, xử lý kịp thời, có hiệu quả.

Bản thân mỗi đảng viên cần tự giác xây dựng chương trình, kế hoạch công tác khi được chi bộ phân công. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy chế làm việc, quy định của cơ quan... Giữ mối liên hệ với cấp ủy và nhân dân nơi cư trú. Thành tâm tự phê bình, tiếp nhận sự phê bình của chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được chi bộ và cấp ủy có thẩm quyền phân công.

TRƯƠNG THỊ BẠCH YẾN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:17, 17/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.